Khi lớn lên có mấy ai trong chúng ta còn nhớ đến chuyến đò đầu tiên đã đưa mình chập chững bước vào cánh cửa học vấn của cuộc đời. Có mấy ai còn nhớ đến người lái đò dạo ấy với những yêu thương trìu mến dành cho mình, lúc mình mới lên hai, lên ba. Trường Mầm non Quang Trung là một ngôi trường có rất nhiều các cô giáo đã công tác lâu năm, những người có rất nhiều những kinh nghiệm. Trong đó là cô giáo Nguyễn Thị Xuân – một giáo viên lâu năm của trường.
Cảm nhận về giáo viên mầm non chính là người chứa đựng tình yêu lớn. Ở bậc mầm non, khi đến trường các bé ý thức chưa cao việc phải nề nếp, kỷ luật, có khá nhiều bé khóc lóc, nôn chớ mỗi sáng đến trường. Níu tay mẹ để vương vấn thêm chút ít thời gian bên mẹ. lúc này, cô chính là người mẹ thứ hai. Cô nhẹ nhàng, ân cần với bé. Những hành động, lời nói của cô không khác gì một người mẹ của bé. Thời gian sau này, khi đã quen với việc đến lớp, đến trường, khuôn mặt bé trở nên rạng rỡ hơn mỗi sáng thức dậy bởi bé biết rằng bé được đến lớp, đến trường, được chăm sóc bởi người mẹ thứ hai. Tay các em nhỏ xíu, nằm gọn lỏn trong bàn tay cô, giơ lên cao vẫy tay tạm biệt bố mẹ. Đến bây giờ mấy ai mới thể hiểu rằng nghề nuôi dạy trẻ thật không dễ chút nào. Một lớp khoảng 30 học sinh, suốt ngày khóc lóc, trẻ chêu nhau liên tục. Điều đó thật là khủng khiếp. Phải là người có tâm, có lòng yêu thương trẻ con thật sự thì mới có thể làm tốt được. Cô Xuân quả là người cô theo đúng nghĩa. Cô đã thể hiện lòng bao dung của mình qua gương mặt phúc hậu, ánh mắt dịu dàng, nụ cười luôn nở trên môi, và cuối cùng là cái “tâm” sáng ngời trong cô được nhìn thấy rõ nhất qua đôi bàn tay cô. Đôi bàn tay như có phép tiên của cô đã giúp các bạn nhỏ ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, ngoan hiền hơn và chóng lớn chỉ sau một năm học cô. Cô không một lần ngắt nhéo trẻ, làm trẻ đau, không một lần làm rơi vỡ đồ trước mặt trẻ, không một lần cư xử thô bạo với trẻ. Mà trái lại, từ tay cô, sự kỳ diệu luôn được nhân lên gấp bội bởi tính cách cẩn thận vốn có, khi cô cột tóc cho bé gái, lau cho bé trai cũng thật nhẹ nhàng, nâng niu kỹ lưỡng như con đẻ của mình. Đôi bàn tay của cô đã khéo léo đút cho các em từng muỗng cơm, muỗng nước, đã khéo léo nắm lấy những đôi tay nhỏ nhắn của các em viết những con số, những chữ cái a,b,c... đầu tiên vào trang vở. Cô chính là người đầu tiên giúp các bạn nhỏ nhận biết, làm quen với số đếm, chữ cái, biết nắn nót, biết viết thẳng dòng. Không chỉ các em bây giờ mà còn có những thế hệ đã đi qua, đã từng được học cô, sẽ mãi nhớ đến đôi bàn tay diệu kỳ của cô, không ai có thể lãng quên. Nghề giáo có lẽ chỉ vui khi trò yêu cô, trò mến cô. Những cô giáo mầm non đã làm rất thành công điều ấy. Niềm vui của cô là được thấy bé học sinh của mình vui chơi, nô đùa hằng ngày. Cô vui khi bé biết cầm bút đúng cách tô vẽ những con vật nghộ nghĩnh. Cô cười khi bé biết hát giòn tan những bài hát chỉ vỏn vẹn 4 câu. Cô khóc trong niềm hạnh phúc là khi đón chào một tuần mới sau hai ngày cuối tuần bé nói với cô bé nhớ cô. Vậy đó, cảm nhận về nghề giáo viên lấy niềm vui từ những điều thật sự bình dị. Trong những năm gắn bó với nghề cô luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng cần có ở một giáo viên mầm non đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, bền bỉ…bởi ở lứa tuổi mầm non mà nhất là lứa tuổi nhà trẻ các cháu còn nhỏ nên việc chăm sóc là hết sức vất vả, đặc biệt là những cháu đi chưa vững, nói chưa sõi còn quấy khóc nhiều. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô luôn giữ hình ảnh một người giáo viên với lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, giàu lòng nhân ái. Ứng sử với đồng nghiệp, phụ huynh đặc biệt là với trẻ luôn chẩn mực và là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Một điều đáng ghi nhận ở cô giáo Nguyễn Thị Xuân là mặc dù công việc rất vất vả nhưng cô luôn biết cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Trong thời gian công tác cô đã không ngừng học hỏi tìm tòi từ đồng nghiệp, tham khảo các loại sách, báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của trường, của nghành và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ năm trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó cô còn biết lắng nghe ý từ đồng nghiệp, mạnh dạn đề xuất ý kiến thiết thực, phát động phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt là phong trào học tập và làm theo lời Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu không chạy theo bệnh thành tích.
Với những việc làm thiết thực và những thành tích đạt được như trên cô đã được Trường Mầm non Quang Trung ghi nhận là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp học tập và noi theo. Cô xứng đáng là tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến “Cô giáo mẫu mực” một tấm gương sáng, tấm gương đạo đức hết lòng vì sự nghiệp trồng người cho thế hệ mai sau của Trường Mầm non Quang Trung.
Cô giáo Mầm non
Thương cô giáo mầm non khó nhọc
Sáng tới chiều chăm sóc con thơ
Trở trăn ánh mắt hàng giờ
Lo cho bé nhỏ giấc mơ vuông tròn
Trong tim đỏ cành non cô uốn
Khó khăn nhiều gắng guộn thành hoa
Đôi khi mắt có nhạt nhòa
Nụ cười vẫn nở trộn hoà gió xuân
Nghề mình chọn gian truân phía trước
Đau đáu lòng vẫn rước nụ xinh
Thương bé đâu khác con mình
Mấy ai thấu hiểu tâm tình mầm non
Yêu trẻ lắm lòng son ướp tạc
Xây tình người không lạc bước chân
Bão giông dẫu có bội phần
Mầm non cô giáo ân cần sớm khuya.
Bài thơ như một bức tranh khắc họa trọn vẹn công việc và tình yêu của cô Nguyễn Thị Xuân nói riêng và toàn thể các cô giáo trường Mầm non Quang Trung nói chung đối với những học trò nhỏ.