Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28.11 cho biết chưa rõ liệu biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn hay khiến bệnh nặng hơn các biến thể khác hay không, bao gồm cả biến thể Delta.
Mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron đến nay chưa được xác định rõ.
“Số ca dương tính ở một số khu vực thuộc Nam Phi đang tăng mạnh, nhưng chưa rõ do biến thể Omicron hay còn có nguyên nhân khác”, WHO tuyên bố.
Bên cạnh đó, chưa rõ liệu biến thể Omicron có gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không.
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ nhập viện ngày càng cao ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người nhiễm bệnh tăng, chứ không phải do nhiễm biến thể Omicron", WHO cho biết thêm.
Tuy nhiên, WHO phát hiện bằng chứng ban đầu cho thấy những người từng nhiễm Covid-19, có thể dễ dàng bị tái nhiễm biến thể Omicron hơn so với các biến thể đáng lo ngại khác.
Các ca nhiễm biến thể Omicron đến nay chủ yếu ở người trẻ, có xu hướng mắc bệnh nhẹ. “Cần vài ngày đến vài tuần để hiểu rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron”, các chuyên gia của WHO cho biết, cũng như hiệu quả của vaccine với biến thể mới này.
WHO cũng kêu gọi các quốc gia “tiếp tục mở cửa biên giới” thay vì chặn các chuyến bay đến từ một số quốc gia châu Phi có nguy cơ cao với biến thể Omicron.
WHO cho biết, lệnh cấm nhập cảnh có thể giúp giảm phần nào mức độ lây lan của Covid-19, nhưng “tác động đáng kể đến đời sống” của người dân. Các quy định hạn chế nên dựa trên khoa học, tránh trường hợp không thực sự cần thiết, theo WHO.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29.11 bắt đầu cấm chuyến bay từ Nam Phi và các quốc gia khác trong khu vực. 4 nước Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Philippines và Singapore cũng hạn chế đi lại với các nước phía nam châu Phi.
Anh, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Iran, Brazil và Canada cũng áp đặt các quy định hạn chế nhập cảnh với Nam Phi và các nước láng giềng.