Ngày nay, với nền Y học phát triển vượt bậc, bạn có rất nhiều lựa chọn cho việc điều trị ho khan hiệu quả và nhanh chóng.
Sự kích thích bất thường trong cổ họng có thể khiến bạn ho khan không kiểm soát được. Đôi khi, cơn ho còn kéo dài, gây khó chịu vô cùng. Tuy nhiên, vì đây là triệu chứng sức khỏe phổ biến nên mọi người thường mang tâm lý chủ quan, để cơn ho tự chấm dứt thay vì tìm kiếm giải pháp điều trị.
Trong một số trường hợp, sự chủ quan này có nguy cơ cao gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt nếu cơn ho khan xuất phát từ căn bệnh COVID-19.
Vậy, làm sao để trị ho khan hiệu quả? Mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Đâu là nguyên nhân gây ho khan?
Trước khi tìm hiểu phương pháp điều trị, bạn nên biết vì sao bản thân lại ho khan.
Phần lớn trường hợp, nguyên nhân ho khan xuất phát từ vấn đề nhiễm virus. Bạn có thể bắt gặp triệu chứng này thường xuyên xảy ra ở người đang bị cảm lạnh hoặc cúm.
Ngoài ra, đôi khi ho khan còn liên quan đến một số tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như:
Hen suyễn
Ở người bị hen suyễn, đường thở sưng và trở nên hẹp lại không chỉ gây ho khan mà còn kéo theo biểu hiện khó thở hoặc thở khò khè.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Dịch vị bao tử có tính axit trào lên thực quản có thể gây tổn thương cơ quan này. Khi đó, người bệnh thường có phản xạ ho.
Hội chứng chảy dịch mũi sau
Khi các tuyến trong mũi và cổ họng tiết ra quá nhiều chất nhầy, dịch có thể chảy xuống và tích tụ phía sau cổ họng , từ đó gây ngứa họng, kích thích cơn ho xảy ra.
Dị ứng
Đôi khi ho khan cũng là dấu hiệu cho thấy phản ứng dị ứng đang diễn ra, đặc biệt ở người mẫn cảm với một số yếu tố trong không khí (khói thuốc, phấn hoa, lông thú cưng…).
Tác dụng phụ của thuốc
Theo thống kê, khoảng 20% người có dấu hiệu ho khan kéo dài khi sử dụng một số loại thuốc ức chế men chuyển, ví dụ như như enalapril (Vasotec) hay lisinopril (Prinivil, Zestril)…
Ho gà
Đây là một dạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, có dấu hiệu ho khan đặc trưng và thanh âm khàn khàn khi thở.
COVID-19
Bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát từ tháng 12/2019 ở Trung Quốc và hiện đang là đại dịch toàn cầu. Đây là một dạng bệnh truyền nhiễm do virus SARS-CoV-2 gây ra, có khả năng lây nhiễm diện rộng với tốc độ cao. Người bệnh có xu hướng ho khan và không có dấu hiệu thuyên giảm khi dùng thuốc trị ho thông thường. Ngoài ra, một số biểu hiện khác của COVID-19 còn có thể được kể đến như sốt cao, tức ngực, khó thở, đau nhức thân mình…
Điều trị ho khan: làm sao mới hiệu quả?
Tình trạng ho khan kéo dài có thể gây khó chịu vô cùng. Tuy nhiên, đừng lo lắng quá vì bạn có rất nhiều lựa chọn cho việc khắc phục vấn đề này, chẳng hạn như:
Cách trị ho khan bằng thuốc
Những loại thuốc dưới đây thuộc nhóm OTC (không kê đơn) nên bạn có thể tìm mua tại các hiệu thuốc trên toàn quốc. Thuốc trị ho thường gặp gồm:
Thuốc trị nghẹt mũi (decongestants)
Khi cảm lạnh phát sinh, lớp niêm mạc mũi của người bệnh thường bị sưng lên, cản trở luồng không khí đi qua. Thuốc trị nghẹt mũi có khả năng khắc phục tình trạng này bằng cách thu hẹp mao mạch trong mũi, từ đó giảm bớt lưu lượng máu đến các mô sưng.
Nếu tình trạng sưng niêm mạc thuyên giảm, việc hô hấp sẽ dễ dàng trở lại. Đồng thời, thuốc trị nghẹt mũi còn có tác dụng khắc phục tình trạng chất nhầy chảy chảy xuống và tích tụ ở phía sau cổ họng gây ho khan.
Mặt khác, nhằm phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc (co giật, tăng nhịp tim…), bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ dưới 12 tuổi không sử dụng decongestant.
Thuốc chống ho và thuốc long đờm
Các loại thuốc chống ho (giảm ho) có công dụng làm dịu cơn ho bằng cách ngăn chặn các yếu tố kích thích cổ họng. Hầu hết người có triệu chứng ho khan đều tin dùng nhóm thuốc này. Chúng còn đặc biệt hữu dụng nếu cơn ho khan gây đau rát cổ họng hoặc gây cản trở giấc ngủ,
Ngoài ra, thuốc long đờm có tác dụng làm loãng dịch nhầy tích tụ ở phía sau cổ họng, từ đó giảm bớt kích thích cơn ho.
Mẹo chữa ho khan tại nhà
Nếu không muốn phụ thuộc quá nhiều vào thuốc, bạn cũng có thể trị ho khan bằng một số mẹo dân gian sau:
- Súc miệng nước muối
- Uống nhiều nước ấm, lưu ý không uống nước lạnh
- Ăn các món dạng lỏng như súp, cháo, canh…
- Uống mật ong
- Tránh xa các yếu tố gây kích ứng (phấn hoa, lông thú cưng…)
Trị ho khan do COVID-19 gây ra
Những cơn ho khan do dịch bệnh COVID-19 gây nên không thể điều trị bằng phương pháp thông thường. Lúc này, những gì bạn cần làm là quan sát cẩn thận những biểu hiện bất thường của cơ thể, đồng thời tự cách ly bản thân để tránh lây nhiễm virus cho mọi người xung quanh.
Ngoài ra, nhằm ngăn chặn bệnh trở nặng dẫn đến biến chứng, bạn nên mau chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế theo ba cách sau, bao gồm:
1. Liên hệ với cơ quan chức năng
Nếu bạn có triệu chứng COVID-19, hãy nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng để tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua hai đường dây nóng dưới đây:
2. Liên hệ với những bệnh viện có cơ sở điều trị COVID-19
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp bằng cách liên lạc qua hotline của các bệnh viện có cơ sở theo dõi, điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm bệnh COVID-19:
- Bệnh viện E | Hà Nội: 091 216 8887
- Bệnh viện Bạch Mai | Hà Nội: 096 985 1616
- Bệnh viện Vinmec Hà Nội | Hà Nội: 093 447 2768
- Bệnh viện Nhi trung ương | Hà Nội: 037 288 4712
- Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội | Hà Nội: 090 413 8502
- Bệnh viện Phổi trung ương | Hà Nội: 096 794 1616
- Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương | Hà Nội: 096 924 1616
- Bệnh viện tỉnh Thái Bình | Thái Bình: 098 950 6515
- Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn | Lạng Sơn: 039 680 2226
- Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí | Quảng Ninh: 096 668 1313
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên | Thái Nguyên: 091 339 4495
- Bệnh viện Trung ương Huế | Huế: 096 530 1212
- Bệnh viện Đà Nẵng | Đà Nẵng: 090 358 3881
- Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa | Khánh Hòa: 096 537 1515
- Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa | Khánh Hòa: 091 346 4257
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ | Cần Thơ: 090 773 6736
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai | Đồng Nai: 081 963 4807
- Bệnh viện Nhi đồng 1 | Hồ Chí Minh: 091 311 7965
- Bệnh viện Nhi đồng 2 | Hồ Chí Minh: 079 842 9841
- Bệnh viện Chợ Rẫy | Hồ Chí Minh: 096 987 1010
- Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM | Hồ Chí Minh: 096 734 1010
3. Liên hệ với cơ sở y tế tại địa phương
Mặt khác, nếu nghi ngờ bản thân nhiễm COVID-19, bạn cũng có thể liên hệ với cơ sở y tế địa phương để tìm kiếm giúp đỡ. Các chuyên viên y khoa tại đây luôn sẵn sàng tiếp nhận cuộc gọi của bạn để nhanh chóng hỗ trợ cách xử lý phù hợp nhất có thể.
Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn biết thêm một số cách trị ho khan hiệu quả và nhanh chóng. Đồng thời, qua đó bạn cũng biết được bản thân nên làm gì nếu cơn ho khan xuất phát từ vấn đề nhiễm bệnh COVID-19.