Theo các bác sĩ, việc cần làm là lưu ý chăm sóc xử trí ban đầu đúng cách, kịp thời khi trẻ có dấu hiệu nôn, đau bụng hay tiêu chảy để trẻ không rơi vào tình trạng nguy kịch do mất nước, rối loạn điện giải.
1. Nhận biết dấu hiệu mất nước ở trẻ
Theo bác sĩ nhi khoa Mạnh Cường, Bệnh viện 103: các dấu hiệu nhận biết trẻ tiêu chảy cấp dễ thấy là tình trạng con đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước hoặc có máu trong phân nhiều hơn 2 lần trong 24 h, số ngày tiêu chảy dưới 14 ngày (dài hơn không gọi là cấp). Trẻ có các triệu chứng tiêu hóa như: Nôn nhiều, có thể không uống được nước, ăn kém. Đi ngoài nhiều lần phân lỏng hoặc tóe nước.
Đối với trẻ có dấu hiệu mất nước cũng dễ phát hiện ra. Trẻ khát nước, uống háo hức (giành cốc nước, hóng nghe rót nước) hoặc nặng hơn là không uống được, uống kém. Mắt trũng, có thể khóc không ra nước mắt. Nếu trẻ mất nước nặng có thể lúc đầu kích thích sau đó li bì. Nếu véo da ở đường giữa bụng sẽ thấy véo da mất chậm. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và nhũ nhi thấy hiện tượng thóp lõm. Khi nhập viện, trẻ sẽ được các bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm như công thức máu, điện giải đồ, soi phân, siêu âm bụng để loại trừ tắc ruột.
Bác sĩ Cường lưu ý cha mẹ khi trẻ có hiện tượng nôn kèm tiêu chảy hay không, cha mẹ vẫn cần bù nước cho trẻ ngay, với trẻ nhỏ thì cho bú nhiều hơn và nhanh chóng đưa trẻ đi viện để được bác sĩ thăm khám kịp thời.
2. Nguyên nhân phổ biến gây đau bụng và nôn ở trẻ em
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương, về nguyên nhân đau bụng và nôn ở trẻ em thì nhiễm khuẩn tiêu hoá là nguyên nhân thường gặp nhất.
Nguyên nhân thường gặp nhất gây nôn và đau bụng ở trẻ em là viêm dạ dày - ruột cấp do virus như rotavirus, norovirus, calicivirus, adenovirus, COVID-19.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm cũng thường có cảm giác buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần phân lỏng có thể có nhày máu. Trẻ có thể không sốt hay sốt cao trên 38 độ C.
Chế độ ăn không phù hợp như ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, hay độc chất hoặc dùng thuốc quá liều cũng là nguyên nhân thường gặp gây nôn trớ và đau bụng ở trẻ em.
Các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa cần phải nhanh chóng phẫu thuật như lồng ruột, viêm ruột thừa, tắc ruột…
3. Khi trẻ có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy cha mẹ cần xử trí như thế nào?
Về vấn đề này, PGS.TS Hà chia sẻ, khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho trẻ nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán
Cần cho trẻ uống đủ nước để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn hay tiêu chảy nhiều. Tốt nhất là cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải (oresol) pha đúng theo hướng dẫn.
Nếu trẻ đã được uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng vẫn bị nôn, tình trạng đi ngoài còn nhiều, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.
PGS. Hà khuyến cáo các bậc cha mẹ không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy cho trẻ. Sử dụng thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu và kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm làm trẻ đầy, chướng bụng, và kéo dài thời gian bị bệnh.
Nếu trẻ có biểu hiện sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường để hạ sốt. Không tự ý dùng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.
Cần cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải khi nôn hay tiêu chảy nhiều.
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần giúp trẻ phục hồi sức khỏe nhanh hơn sau khi bị tiêu chảy. Do đó, PGS Hà khuyến cáo nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục.
Nếu trẻ không nôn trớ từ 12-24 giờ thì có thể cho trẻ ăn uống lại bình thường nhưng vẫn cho uống nhiều nước. Bắt đầu với những thực phẩm dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.
Nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp.
5. Một số thực phẩm nên dùng cho trẻ khi bị nôn, tiêu chảy
Đối với trẻ bị tiêu chảy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các bậc cha mẹ nên ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để cung cấp đủ năng lượng và giúp trẻ nhanh hồi phục.
Bệnh nhân bị tiêu chảy cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Nên cho trẻ uống các loại nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín…
Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.
Để bổ sung dinh dưỡng, trẻ cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ… giúp trẻ dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Trong trường hợp trẻ buồn nôn, nôn nên cho trẻ dùng một số loại thực phẩm giúp làm dịu cơn buồn nôn như: nước dùng, nước luộc gà hoặc nước hầm rau củ…
Cho trẻ uống nước hoặc oresol từng ngụm nhỏ, ít một, thường xuyên sau mỗi lần trẻ bị nôn hoặc tiêu chảy. Uống nhiều nước một lúc sẽ càng làm dạ dày khó chịu, gây buồn nôn.
Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn, hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với trẻ còn bú cũng vậy, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
Hạn chế đồ uống quá ngọt, có chứa caffein hoặc làm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm cảm giác buồn nôn.
Lưu ý: Cần hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường; đồ ăn chưa chín kỹ, không an toàn; thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng; cà phê, nước ngọt có gas…