Trẻ bước vào lớp 1, không nhiều thì ít, đều gặp những hụt hẫng và khó khăn nhất định, phần nhiều do sự khác biệt về môi trường và yêu cầu học tập. Hiểu được điều này, phụ huynh có thể giúp con thích nghi nhanh và tìm được niềm vui khi đến trường cũng như có kết quả học tập tốt.
Dưới đây là phân tích của Thạc sĩ Nguyễn Đức Chuẩn, trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) về những khác biệt giữa môi trường mẫu giáo, trong gia đình, với môi trường tiểu học mà các bé lớp 1 bước vào.
Khi trẻ ở mẫu giáo
|
Khi trẻ bước vào lớp 1
|
- Hoạt động chủ yếu là chơi
- Được phép đi lại, nhảy múa
- Tùy hứng chơi đồ chơi
- Chơi đồ vật cụ thể
- Được nô đùa, tranh giành, tùy ý tưởng tượng
- Vụng về, vẽ sai, cắt sai, làm không đúng không hề gì
- Muốn nói hay làm gì đều được
- Không phải thuộc những gì người lớn dặn dò
- Không bị ai kiểm tra
- Được chiều chuộng, làm nũng, khen thưởng nhiều hơn trách phạt
- Thoải mái, ít phải gò theo khuôn phép.
|
- Hoạt động chủ yếu là học tập
- Phải ngồi yên suốt giờ học, nghe giảng
- Phải tuân theo giờ giấc, tiết học
- Học những điều trừu tượng
- Cấm nói chuyện đùa nghịch với bạn trong giờ học
- Phải viết đúng theo mẫu, thẳng hàng
- Phải xin phép nói đúng theo chủ đề bài học
- Phải thuộc bài
- Thầy cô bố mẹ thường xuyên kiểm tra bài vở, kết quả học tập
- Phải tập trung học tập, phải trật tự im lặng mới ngoan, nếu không sẽ bị phạt
- Kỷ luật nghiêm khắc, bị nhiều cái “phải” ràng buộc.
|
Theo nhà tâm lý Đức Chuẩn, có lẽ ít phụ huynh hiểu, thông cảm hết những nuối tiếc cũng như sự chịu đựng của học sinh lớp 1. Để thích nghi là những nỗ lực, cố gắng vượt bậc của trẻ: phải ngồi yên, không được cựa quậy, không được bộc lộ cảm xúc, phải từ bỏ sự thoải mái.
Khi trẻ sắp vào lớp 1, nhiều bố mẹ rất lo lắng và ráo riết chuẩn bị nhưng lại không đúng cách, như bắt con học tô chữ, tập viết, làm toán… cho thành thạo. Nhiều trẻ vì biết chữ trước, đến lúc đi học chủ quan, không chú ý. Việc học trước cũng gây vất vả cho bé. Chẳng hạn, nếu khi 4-5 tuổi trẻ có khi phải học một tuần trẻ mới viết được một chữ, thì khi 6 tuổi, bé chỉ cần 1 buổi đã có thể làm được điều này.
Ông Chuẩn cho rằng, thay vào đó, đáng lẽ phải cho trẻ tập ngồi quen để sau này khi phải ngồi yên trong 45 phút các bé không thấy quá khó chịu, tránh tình trạng vẫn theo thói quen ở mẫu giáo, có thể chạy ra chạy vào giữa giờ. Nên cho trẻ tập tô, lắp ghép hình, tự đi giày dép để rèn đôi tay khéo. Điều này sẽ rất có ích cho việc sau này trẻ tập viết chữ thẳng hàng, đúng ô ly.
Trẻ vào lớp 1 không nhiều thì ít đều gặp những khó khăn nhất định. Có cháu vượt nhanh, có cháu không vượt được thì tìm cách phá đám, nghịch ngợm, học kém. Khi bé chán học, bố mẹ càng lo lắng, sốt ruột, thúc ép, thuê gia sư về rèn, tăng thời gian cho con học ở nhà, tìm chỗ cho con học thêm… Khi trẻ ở lớp đã mệt mỏi, về nhà cần được vui chơi, chia sẻ… để cân bằng thì lại bị nhồi nhét, thúc ép thêm… khiến các bé đã chán càng thêm nản.
Một câu “thần chú” với bố mẹ các bé lớp 1 là “Từ từ – dần dần – từng chút một” hãy kiên nhẫn với con, càng thúc trẻ càng chán, càng chậm.
“Trẻ con thật ra như một cỗ máy, nếu hiểu đúng thì việc vận hành không khó. Tâm lý của trẻ là thích gì làm nấy. Những gì không thích trẻ sẽ tìm mọi cách để ì trệ, thoái thác. Hiểu được điều này, bố mẹ bắt đầu dạy từ những cái con thích, dần dần uốn nắn thì không khó“, ông Chuẩn nói.
Sưu tầm