Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 21608/SYT-NVD chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành Y tế Thủ đô đang tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát thực hiện nghiêm các quy định về quản lý thuốc Molnupiravir.
Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) có đề cập về tình trạng kinh doanh, quảng cáo và bán thuốc Molnupiravir với giá cao cho người dân. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý, sử dụng thuốc Molnupiravir đúng đối tượng bệnh nhân, đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt và cập nhật ngay thông tin bệnh nhân, thông tin sử dụng thuốc vào hệ thống quản lý của chương trình khi cấp phát, sử dụng.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - đơn vị đầu ngành về truyền nhiễm quản lý chặt chẽ thuốc Molnupiravir từ tiếp nhận, bảo quản, cấp phát tới các đơn vị tham gia triển khai chương trình; đồng thời theo dõi sử dụng và thu hồi thuốc trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng hết vì bất cứ lý do gì.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội nhận được văn bản của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) chỉ đạo việc quản lý thuốc trong chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát. Trong văn bản của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo có đề cập đến thông tin về việc, có tình trạng kinh doanh, quảng cáo và bán thuốc Molnupiravir với giá cao cho người dân.
Chính vì vậy, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát vì quyền lợi của người bệnh và tránh thất thoát thuốc để các đối tượng xấu trục lợi. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
Ngày 7-12, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản gửi đến Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Theo văn bản này, ngày 7-12, báo chí có phản ánh một số người lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19, tình trạng thiếu hụt “túi thuốc C” (túi thuốc được cấp miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 có chứa thuốc Molnupiravir đang thử nghiệm lâm sàng), nên đã rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Các loại thuốc điều trị Covid-19 có dược chất Molnupiravir (đang thử nghiệm lâm sàng) hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir (chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam).
Theo Cục Quản lý dược, việc mua bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Tính đến ngày 7-12 đã có 42 tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11-2021).
Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí gần 250.000 liều thuốc bằng thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho người bệnh.