A: DINH DƯỠNG
* Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng cho sự phát triển thể chất, sức khỏe và trí tuệ của trẻ em. Trẻ em được nuôi dưỡng với chế độ ăn nghèo nàn sẽ chậm phát triển, dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu Vitamin A, thiếu I-ốt và không có đủ năng lượng để học tập và vui chơi. Ngược lại, nếu trẻ em ăn quá nhiều, đặc biệt thực phẩm giàu năng lượng, thì dễ bị thừa cân - béo phì và các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư...
* Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo độ tuổi sẽ giúp trẻ cao lớn, mạnh khỏe và thông minh, trẻ em tuổi học đường cần thực hiện:
- Ăn đủ 3 bữa chính trong ngày, không nên bỏ bữa sáng. Không nên ăn tối quá muộn và ăn trước khi đi ngủ.
- Uống 1-2 ly sữa mỗi ngày để giúp trẻ cao lớn, khỏe mạnh và thông minh. Nếu trẻ bị thừa cân - béo phì thì nên uống sữa không đường và tách béo.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.
- Hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh, kẹo, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường... để phòng chống sâu răng và béo phì.
- Hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, thức ăn rán ngập dầu, mỡ, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục...).
- Hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều muối như: xúc xích, dăm bông, bim bim, mì ăn liền, dưa muối, cà muồi và các món kho, tim, rang mặn.
- Hạn chế chấm thức ăn vào gia vị mặn (nước mắm, xì dầu, bột canh, muối) trong thức ăn.
* Gia đình cần thực hiện:
- Các bữa ăn cần sử dụng đa dạng thực phẩm và đảm bảo đủ 4 món thực phẩm là ngũ cốc, đạm, chất béo và rau củ; kết hợp thực phẩm động vật và thực vật.
- Nên sử dụng muối i ốt hoặc bột canh i ốt để chế biến món ăn cho con.
- Thực hiện các biện pháp ăn giảm muối để tạo thói quen ăn không thừa muối cho con.
* Nhà trường cần tạo ra môi trường dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ bằng cách:
- Nhà trường cần thực hiện đúng hướng dẫn về xây dựng thực đơn chế độ ăn hợp lý cho trẻ tuổi học đường vào các bữa ăn trưa và ăn phụ chiều cho học sinh.
- Tăng cường phổ biến kiến thức cho phụ huynh học sinh về chế độ dinh dưỡng hợp lý.
B: HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC
* Trẻ em cần được tăng cường hoạt động thể lực để đảm bảo phát triển thể chất, nhận thức và tăng cường sức khỏe.
* Trẻ em cần thực hiện:
- Tích cực tham gia các giờ thể dục sáng ở trường và chơi các trò chơi vận động trong giờ hoạt động.
- Tham gia các hoạt động thể thao như đá bóng, tập võ, múa, thể dục nhịp điệu...
- Nên đi cầu thang bộ thay cho sử dụng cầu thang máy.
- Tích cực giúp cha mẹ làm việc như dọn dẹp nhà cửa
- Không nên ngồi lâu xem tivi, chơi trò chơi điện tử, dùng máy tính, nghe nhạc...
* Gia đình cần thực hiện:
- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho con hoạt động thể lực bằng cách: bố trí thời gian, dụng cụ, phương tiện...
- Cha mẹ hãy là tấm gương trong việc rèn luyện thể lực để các con noi theo.
- Không nên để các con dùng máy tính, xem tivi, chơi game quá 120 phút/ ngày.
* Nhà trường cần tạo ra môi trường thuận lợi cho việc hoạt động thể lực của học sinh:
- Đảm bảo duy trì hoạt động thể dục đầu giờ, các giờ học ngoài trời.
- Chú trọng giáo dục cho học sinh có thói quen tích cực hoạt động thể lực.
- Tạo điều kiện cho học sinh tập thể dục, thể thao và chơi các trò chơi vận động tập thể bằng cách: bố trí địa điểm, thời gian, dụng cụ, phương tiện...
- Phát động phong trào và tổ chức các cuộc thi đấu thể thao cho học sinh.
Vì lợi ích của con em mình, phụ huynh và gia đình hãy:
- Phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục, khuyến khích trẻ ăn uống hợp lý và tích cực hoạt động thể lực, tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe.