Nghiên cứu bao gồm 44 quốc gia với tổng dân số gần 1 tỷ người. Qua theo dõi đánh giá, các nhà nghiên cứu nhận thấy, sự gia tăng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 chậm hơn đáng kể ở các quốc gia có quy định đeo khẩu trang so với các quốc gia không có quy định này.
TS Sahar Motallebi tại Khoa Y học xã hội và Sức khỏe toàn cầu thuộc ĐH Lund ở Malmo (Thụy Điển), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Trong khi một số nghiên cứu trước đây đã xem xét tác động của khẩu trang đối với số ca mắc COVID-19, thì rất ít nghiên cứu tập trung đánh giá việc đeo khẩu trang có thể giúp giảm tử vong do COVID-19 hay không, và chưa có nghiên cứu nào xem xét dữ liệu của nhiều quốc gia".
"Với cỡ mẫu lớn các quốc gia đa dạng về văn hóa trong nghiên cứu hồi cứu này, bao gồm một lượng lớn dân số, đã cung cấp thêm bằng chứng về tiềm năng cứu tính mạng con người của khẩu trang trong đại dịch COVID-19".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét các quốc gia thuộc top 50 theo đánh giá Chỉ số phát triển của Liên hợp quốc về tuổi thọ, trình độ học vấn và mức sống, đã loại trừ 6 quốc gia trong số đó vì các quy định đeo khẩu trang chỉ áp dụng ở phạm vi nhỏ hoặc mang tính tạm thời.
Trong số các quốc gia được nghiên cứu, 27 quốc gia có quy định bắt buộc về đeo khẩu trang và 17 quốc gia không có quy định này.
Kết quả cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 15/2/2020 đến ngày 31/5/2020, các quốc gia đã ghi nhận tổng số 2,2 triệu ca tử vong, bao gồm 1,25 triệu ca ở các quốc gia không yêu cầu đeo khẩu trang và gần 914.000 ca ở các quốc gia có quy định đeo khẩu trang.
Các quốc gia bắt buộc phải đeo khẩu trang có tỷ lệ tử vong trung bình do COVID-19 là 48,40 phần triệu so với 288,54 phần triệu ở các quốc gia không có quy định đeo khẩu trang.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trung bình, các quốc gia yêu cầu đeo khẩu trang cũng có tỷ lệ tử vong hàng ngày thấp hơn đáng kể so với các quốc gia không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang, mặc dù ban đầu những quốc gia không có quy định đeo khẩu trang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp hơn.
Bên cạnh đeo khẩu trang, cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng
Các nhà khoa học cho biết: "Để góp phần bảo vệ tính mạng con người, các nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng cần phải thiết thực và giá trị. Mục tiêu chính của nghiên cứu là đánh giá các bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 để chuẩn bị tốt hơn cho các đợt dịch bệnh lây truyền qua đường không khí tiềm ẩn trong tương lai, trước khi có các biện pháp can thiệp bằng dược phẩm".
Theo các nhà khoa học, trong khi tình trạng chậm trễ trong tiêm chủng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, khẩu trang vẫn là một công cụ quan trọng để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.
Điều này thậm chí vẫn đúng ngay cả khi việc tiêm chủng đã được thực hiện đầy đủ ở một cộng đồng nào đó. Vaccine có thể giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do các biến thể COVID-19 gây ra, nhưng có thể ít có ý nghĩa giúp hạn chế số ca bệnh, tuy nhiên, khẩu trang có thể góp phần ngăn ngừa sự gia tăng cả hai tình trạng này (số ca mắc bệnh và số ca tử vong).
Các nhà khoa học cho rằng: "Chúng ta không phải lựa chọn giữa 2 chính sách tiêm chủng hay đeo khẩu trang mà điều quan trọng là cần thực hiện tốt song song cả hai chính sách này mới mang lại hiệu quả phòng chống đại dịch COVID-19".