BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết, hầu hết trẻ bị sốt xuất huyết mà không có triệu chứng nguy hiểm cần nhập viện thì có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh này do siêu vi gây ra nên điều trị triệu chứng.
Để chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại nhà, phụ huynh nên lưu ý một số việc sau:
Nếu trẻ sốt thì uống paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, cách nhau 4-6 giờ khi sốt lại. Thông thường 3 ngày đầu, trẻ sẽ sốt cao. Do đó, uống thuốc hạ sốt chỉ cần giảm nhiệt độ so với trước khi uống là đủ.
Không nên sốt ruột uống thuốc liên tục vì nguy cơ tổn thương gan. Hạn chế uống thuốc hạ sốt nhóm ibuprofen vì tăng nguy cơ xuất huyết trong giai đoạn nặng sau này.
Trẻ sốt xuất huyết xuất hiện ban đỏ trên da
Phụ huynh nên bổ sung nước thường xuyên cho trẻ, đặc biệt với những trẻ sốt cao. Khi trẻ được uống nước đủ thì nguy cơ diễn tiến nặng phải nhập viện ít hơn. Có thể cho trẻ uống từng ly nhỏ, uống nhiều lần trong ngày, tránh uống 1 lúc quá nhiều nước. Những loại nước dùng cho trẻ uống có thể là nước đun sôi để nguội, nước bù điện giải, nước trái cây, nước canh đều được; không sử dụng nước có gas, nước có màu đen hoặc đỏ. Hiệu quả của việc bù nước đủ biểu hiện bằng việc bé đi tiểu thường hơn, 3 - 6 giờ/lần và nước tiểu trong.
Khi trẻ sốt sẽ biếng ăn, do vậy cần cho trẻ dùng thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều lần trong ngày, mỗi bữa một ít sẽ giúp dễ tiêu hơn mà vẫn bù năng lượng. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn ói thì đừng vội cho ăn lại ngay, cần nghỉ ngơi 1 - 2 giờ, khi trẻ bớt cơn ói hãy cho ăn ít lại dần. Tránh sử dụng những thức ăn có màu đen, đỏ vì khi trẻ nôn ói ra khó phân biệt có xuất huyết hay không.
Cùng với đó, cần tắm rửa, vệ sinh cho trẻ, không kiêng cữ nước. Đồng thời, đưa trẻ đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
Trong quá trình chăm sóc, nếu trẻ không diễn tiến nặng sẽ có dấu hiệu hồi phục vào ngày thứ 6 kể từ ngày sốt đầu tiên. Trẻ tỉnh táo hơn, ăn uống ngon miệng hơn, thậm chí đòi ăn những món bình thường, nổi những mảng đỏ, ngứa ở chân tay (ban hồi phục). Các biểu hiện nặng của trẻ dần dần thuyên giảm.
Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng sau thì nên đưa đến bệnh viện khám: Sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, hoặc co giật khi sốt cao; lừ đừ, ngủ li bì khó đánh thức; đau vùng bụng phải, ngày càng tăng; tiểu ít, nước tiểu sậm vàng; nôn và nhợn ói nhiều, ói ra thức ăn và nước uống nhiều, không thể ăn uống được; tay chân lạnh, tím tái; chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh bất thường, nôn ra máu, tiêu ra phân đen hoặc máu.
Theo bác sĩ Tiến, siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng nhỏ, mỗi chủng đều có khả năng gây bệnh và không có phản ứng bảo vệ chéo nếu đã nhiễm bệnh. Vì vậy, trẻ mắc sốt xuất huyết có thể bị lại do các chủng nhỏ khác nhau.