Đây là một bệnh lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Ở nước ta, khi Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chưa được triển khai thì bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ em và xuất hiện quanh năm. Sau năm 1986, Chương trình TCMR được phát triển rộng khắp cả nước và tất cả trẻ dưới 1 tuổi được gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vaccin DTP (bạch hầu, uốn ván, ho gà). Sau nhiều năm liền tiêm vaccin DTP, tỷ lệ mắc và chết của bệnh ho gà đã giảm rõ rệt. Hiện nay bệnh ho gà vẫn còn tản phát ở nhiều nơi và vẫn còn xảy ra dịch nhỏ ở địa phương.
Tác nhân gây bệnh ho gà là trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis. Bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng đường hô hấp qua các giọt chất tiết ra từ miệng có chứa vi khuẩn ho gà. Không có người lành mang vi khuẩn hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn. Vi khuẩn ho gà có sức đề kháng rất yếu, bởi vậy sự lây truyền là do tiếp xúc trực tiếp, nhất là những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học. Mọi lứa tuổi đều có thể bị ho gà, nhưng trẻ em từ 1-6 tuổi dễ bị hơn. Trẻ càng nhỏ tuổi, bệnh càng nặng.
Biểu hiện của bệnh
Bệnh khởi phát có thể không có sốt hoặc sốt nhẹ (37oC - 38oC), với các triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng). Ho tăng dần thành cơn, hay gặp về đêm.
Ở thời kỳ toàn phát, xuất hiện các cơn bệnh ho gà điển hình. Cơn ho xuất hiện đột nhiên vô cớ sau các kích thích, cả ngày và đêm nhưng hay gặp ho nhiều về đêm. Mỗi cơn ho điển hình trải qua 3 giai đoạn. Trẻ ho rũ rượi từng chuỗi liên tục, không tự kìm hãm được. Mỗi chuỗi 15-20 lần ho liên tục, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ ngầu, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi chuỗi tiếp theo, trẻ thở rít vào thật dài nghe như tiếng gà rít.
Các cơn ho cứ liên hồi cho tới khi trẻ nôn hoặc khạc được đờm trắng trong, dính như lòng trắng trứng, trong đó có trực khuẩn bệnh ho gà. Sau mỗi cơn ho, trẻ mệt mỏi bơ phờ, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Phải mất ít phút, trẻ mới trở lại chơi bình thường. Các cơn ho có thể làm mặt nặng, loét dây hãm lưỡi. 3 tuần sau khi cơn ho xuất hiện, bệnh phát triển tới cực độ và giữ nguyên ở mức đó trong một thời gian tùy từng trường hợp, rồi bệnh lui dần (các cơn ho giảm, thời gian ho ngắn dần, khạc đờm ít sau đó hết dần).
Điều trị
Về nguyên tắc, dùng kháng sinh; điều trị triệu chứng (ho, khó thở) và điều trị biến chứng. Bệnh nhi cần được quan tâm chăm sóc và cho chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong cơn ho phải để trẻ ở tư thế ngồi để tránh trào đờm dãi vào phổi, trẻ nhỏ phải cho nằm nghiêng để dễ móc đờm dãi. Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa. Trẻ còn bú, tiếp tục cho bú.
Phòng bệnh chủ động
Đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền đến với người dân đặc biệt là cha mẹ các cháu, các thầy cô giáo để cùng phối hợp phát hiện bệnh. Thực hiện cách ly đường hô hấp đối với bệnh nhân, những trường hợp nghi ngờ. Thời gian cách ly thường ở trong khoảng 3 tuần kể từ khi xuất hiện viêm long. Gây miễn dịch cơ bản bằng 3 liều vaxin DTP cho trẻ dưới 1 tuổi, theo lịch tiêm chủng của Chương trình TCMR quốc gia:
- Liều 1: khi trẻ được 2 tháng tuổi;
- Liều 2: khi trẻ được 3 tháng tuổi;
- Liều 3: khi trẻ được 4 tháng tuổi.