Để hiểu con, cha mẹ cần học cách lắng nghe và nói chuyện với con chân thành, cởi mở. Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng làm được như vậy.
Một trong những điều quan trọng khi dạy con là cha mẹ phải biết cách giao tiếp với trẻ. Những mẫu câu sau có thể giúp cha mẹ tìm được tiếng nói chung với con và khiến đứa trẻ nghe lời hơn.
Thay vì dùng từ “nếu”, cha mẹ có thể dùng từ “khi nào” nhằm mang ý nghĩa tích cực hơn sự thúc giục. Điều này sẽ giúp trẻ có hứng thú với việc mà mẹ yêu cầu. Ví dụ, khi muốn con làm một việc gì đó, cha mẹ có thể nói: “Khi nào con ăn xong mẹ sẽ cho con đi chơi” thay vì nói: “Nếu con không ăn nhanh mẹ không cho con đi chơi nữa”.
Khi trẻ làm sai điều gì đó, nhiều bậc cha mẹ luôn đặt câu hỏi: “Sao con lại làm thế?”. Nhưng thực ra câu hỏi này của cha mẹ lại đang làm khó con. Đôi khi chính người lớn cũng không hiểu tại sao mình lại làm thế?
Vì vậy cha mẹ có thể xem xét đặt câu hỏi phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trẻ càng ít tuổi, yêu cầu của cha mẹ càng phải ngắn gọn và đơn giản. Cha mẹ nên sử dụng câu ngắn với ngôn ngữ mà trẻ có thể hiểu được, ví dụ như: “Con có thể kể lại cho mẹ chuyện gì đã xảy ra?”, “Con có thể nói cho mẹ nghe con định làm gì?”,…
Cha mẹ nên cho con biết suy nghĩ của mình để trẻ đồng cảm thay vì áp đặt. Nhờ cách nói này trẻ sẽ hiểu được cảm nhận của cha mẹ và nghe lời một cách tự nguyện. Ví dụ, cha mẹ có thể nói “Khi con chạy lung tung trong siêu thị, mẹ cảm thấy lo lắng bởi vì con có thể sẽ bị lạc” hoặc “Khi con đi học về mà không chào, mẹ cảm thấy rất buồn vì không được con quan tâm” thay vì nói: “Con phải chào bố mẹ khi đi học về”.
Cha mẹ không nên ép buộc con cái trong mọi việc. Điều này khiến trẻ cảm thấy bị gò bó và có tâm lý muốn phản kháng. Muốn con nghe lời răm rắp, cha mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn của con và tạo cho bé cảm giác mình cũng có tránh nhiệm hoàn thành. Ví dụ, cha mẹ có thể hỏi: “Con muốn học bài trước hay tắm rửa trước” thay vì nói: “Đi học bài ngay. Mau lên”.
Cha mẹ có thể rất khó khăn khi yêu cầu con làm một việc gì đó; ví dụ con không chịu mặc áo hoặc không chịu ngồi vào bàn học bài. Nhưng nếu cha mẹ gợi ý: “Con mặc áo dài tay vào và mình sẽ ra ngoài chơi nhé” hoặc “Con học bài nhanh lên và mình sẽ cùng nhau làm bánh nhé” thì mọi việc sẽ khác. Đưa ra lợi ích đi kèm sẽ khiến câu nói của cha mẹ có sức nặng hơn và trẻ không thể từ chối.
Một số nguyên tắc đi kèm
Khi sử dụng những mẫu câu trên, cha mẹ nên áp dụng một số nguyên tắc đi kèm sẽ đem lại hiệu quả hơn.
Nhìn vào mắt con
Khi cha mẹ yêu cầu trẻ làm việc gì, hãy ngồi xổm để tầm mắt của cha mẹ ngang với tầm mắt của trẻ. Như vậy cha mẹ mới có thể thu hút được sự chú ý của con. Đồng thời, cách này còn giúp trẻ tập trung vào những điều mẹ sắp nói.
Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh nhìn con bằng ánh mắt giận dữ vì như thế sẽ khiến trẻ sợ hãi tới mức không dám nhìn vào mắt mẹ. Chỉ cần một ánh mắt đúng mực cũng có thể khiến trẻ nghe lời răm rắp.
Gọi tên
Khi cha mẹ đề nghị con làm điều gì đó, hãy gọi tên. Chẳng hạn: “Ben, lấy hộ mẹ cái cốc”, “Bống, ra ăn cơm đi con”. Khi được cha mẹ gọi tên, trẻ sẽ tập trung hơn vào điều cha mẹ nói. Ngược lại, trẻ sẽ lơ đãng và “bỏ quên” lời đề nghị của cha mẹ hoặc cho rằng cha mẹ đang nói chung chung, không phải nói mình.
“Chân trước, miệng sau”
Thấy con đang xem tivi, mẹ đang nấu bếp phải quát lên: “Con mau tắt tivi rồi ra ăn cơm!”. Nhưng mẹ sẽ phải chờ rất lâu đến độ mất hết kiên nhẫn mà vẫn chưa thấy con đi ra.
Vì vậy, thay vì hét lên với con, cha mẹ nên đi đến chỗ con, tham gia với sở thích của con trong vài phút. Sau đó, thương lượng để trẻ tắt tivi và đứng dậy ăn cơm. Đôi khi, việc dạy con một cách nhẹ nhàng như thế nào khiến con nghe lời răm rắp với tâm lý thoải mái.