Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều người lo lắng bởi lịch tiêm chủng của trẻ bị gián đoạn do việc tiêm chủng vẫn chưa được thực hiện trở lại và có thể sẽ bị trì hoãn lâu hơn.
Theo Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe ban đầu - Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương TS. Phạm Ngọc Toàn, bản chất của việc tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch đặc chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh. Một đứa trẻ sau khi chào đời sẽ có miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chỉ có tác dụng trong vòng 6 tháng, sau giai đoạn này hệ miễn dịch đó sẽ suy giảm. Để trẻ có thể khỏe mạnh và đủ khả năng chống chọi với bệnh tật bắt buộc gia đình phải tiêm chủng cho trẻ.
Ngoài ra, tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ sẽ rất lớn. Theo thống kê, hàng năm, trên thế giới cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em do bệnh truyền nhiễm nhờ vắc xin, khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sản sinh ra miễn dịch đặc hiệu để bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh.
Ý thức được vai trò to lớn đó của việc tiêm chủng nên nhiều bà mẹ lo lắng khi lịch tiêm chủng của con mình bị trì hoãn và không thể tuân thủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cho biết, hiện nay nhiều loại vắc xin có nhiều hơn 2 liều cơ bản, thông thường khoảng cách tiêm chủng của mỗi liều vắc xin cùng loại là 4 tuần, không có khoảng cách tối đa. Do vậy, nếu người dân không tiêm đúng theo lịch hẹn thì có thể tiếp tục tiêm ngay sau khi được phép.
Đối tượng duy nhất đáng lo ngại là những trẻ mắc bệnh mãn tính, khi bị trì hoãn tiêm chủng cơ thể sẽ không đáp ứng được nhu cầu miễn dịch, khi bị nhiễm các bệnh khác sẽ diễn biến nặng hơn. Bác sĩ Toàn cũng khuyến cáo, người lớn cũng nên thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ bởi khi trẻ chưa đến kỳ tiêm chủng, người lớn mắc bệnh có thể là nguồn lây ngược lại cho trẻ.
Còn theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - TS. Trần Danh Cường, có những mũi tiêm chủng cho trẻ cách nhau tới vài tháng nên việc trì hoãn một vài tuần không quá ảnh hưởng. Về vấn đề đáp ứng của hệ miễn dịch đối với trẻ, hoàn toàn có thể xê dịch vài ngày nên việc tạm dừng tiêm chủng đến hết tháng 4 là chấp nhận được và các bậc phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm.
Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng sau thời gian giãn cách, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã đề nghị trạm y tế xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ những đối tượng tiêm chủng để thực hiện tiêm bù vaccine cho trẻ, khi các buổi tiêm chủng được tổ chức lại. Đối với các cơ sở y tế có phòng sinh đẻ, việc tổ chức tiêm vắc xin viêm gan B vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, những điểm tiêm phòng uốn ván, dại… cần bố trí nhân lực, địa điểm để tiêm phòng cho những đối tượng nguy cơ cao.