(HNM) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa, béo phì là sự tích tụ chất béo quá mức và có thể làm suy giảm sức khỏe. WHO coi béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng nhất của thế kỷ XXI. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em béo phì đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh mãn tính ở độ tuổi sớm hơn so với bạn cùng lứa có cân nặng bình thường. Nhiều nghiên cứu phát hiện, béo phì ở trẻ em gây lão hóa mạch máu sớm và bệnh tim. Thừa cân cũng có thể gây ra tình trạng kháng insulin (tiền tiểu đường) và theo sau đó là bệnh tiểu đường loại 2. Các nhà nghiên cứu nhận định, một số bệnh ung thư như ung thư vú, ruột, tuyến tụy, gan, dạ dày, túi mật và tuyến giáp xuất hiện sau mãn kinh ở phụ nữ có liên quan đến béo phì. Theo các chuyên gia, lối sống ít vận động là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì. Một số trẻ ít vận động và phần lớn thời gian dành cho việc nhìn vào màn hình trên thiết bị điện tử.
Các chuyên gia khuyến nghị, trẻ em từ 2-5 tuổi không nên sử dụng màn hình máy tính, điện thoại thông minh... nhiều hơn một giờ mỗi ngày. Trẻ em từ 6 tuổi trở lên nên có giới hạn nhất quán về thời gian dành cho thiết bị điện tử. Trẻ em trên 6 tuổi nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày. Do đó, phụ huynh được khuyến cáo giúp trẻ tham gia vào một nhóm hoặc hoạt động thể thao cá nhân ít nhất một buổi một tuần. Phụ huynh cũng có thể khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động thể chất mà chúng yêu thích hoặc vui chơi, vận động ở công viên.