Không trung thực hoặc thường đổ lỗi cho người khác là một trong những tính xấu của con người. Điều đáng buồn là trẻ có thể học thói xấu này từ độ tuổi rất sớm. Theo các chuyên gia, hành vi đó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức đúng và sai của trẻ sau 4 tuổi.
Một lời giải thích được coi là hành động biết chịu trách nhiệm cá nhân. Trong khi đó, một lời bào chữa thường có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Do đó, cha mẹ cần có phương pháp dạy trẻ ngừng đổ lỗi và biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khả năng đóng góp tích cực
Tất cả chúng ta đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới mà bất kỳ ai cũng có trách nhiệm. Vậy, làm thế nào để chúng ta nuôi dạy con chịu trách nhiệm về những lựa chọn của chúng?
Theo các chuyên gia, phụ huynh hãy bắt đầu bằng cách coi trách nhiệm là một điều gì đó vui vẻ đối với con, thay vì một gánh nặng. Tất cả trẻ em đều muốn thấy mình là người có khả năng đáp ứng những gì cần làm. Vì vậy, phụ huynh không thực sự cần dạy trẻ trở thành người có trách nhiệm trong thế giới. Thay vào đó, hãy dạy trẻ rằng, con có khả năng đóng góp tích cực nhờ chịu trách nhiệm và ngưng đổ lỗi.
Chị Thùy Trang (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, dù năm nay đã học lớp 5, nhưng Xuka con chị vẫn luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và mọi người xung quanh. “Có lần đang ăn cơm, Xuka lỡ tay làm vỡ bát. Bố mẹ chưa có ý định to tiếng hay trách mắng, nhưng Xuka đã vội vàng đổ tại bát vỡ do bà để sát mép bàn. Lần khác, khi mặc áo trái đến lớp, bị các bạn trêu, Xuka cũng về vừa khóc, vừa đổ lỗi do mẹ không để ý tới trang phục của con”, chị Trang tâm sự. Không ít lần, vợ chồng chị Trang khuyên con rằng, cần biết nhận trách nhiệm cho hành vi của mình. Tuy nhiên, Xuka vẫn “chứng nào tật nấy”.
Trong khi đó, chị Kiều Hương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cậu trai lớp 2 nhà tôi thường tỏ ra đắc chí khi trút tội thành công. Cậu đá bóng khiến nước bẩn văng trúng người đi đường, nhưng lại đổ vấy cho đứa bạn. Tôi bức xúc hỏi: "Con làm, sao con không nhận?", cậu tỉnh bơ đáp: "Nhận rồi người ta quay lại đánh mình sao".
Cố gắng không dùng bạo lực để trách phạt con, tôi đề nghị con đứng ở góc nhà, im lặng, khoanh tay suy nghĩ cho tận tường về hành động mình đã làm, về hậu quả có thể xảy đến với người bị đổ lỗi, về khả năng mọi người sẽ chán ghét, coi khinh và nghỉ chơi với mình... Xong, con nói ra những suy nghĩ ấy cho mẹ nghe và tự giác xin lỗi. Có khi, tôi bắt con viết ra giấy lời hứa sẽ không đổ thừa người khác và ghi nhận sự tiến bộ của con mỗi lần chiến thắng bản thân. Tật của cu cậu giảm đôi phần từ khi tôi kiên quyết ngăn chặn”.
Không sửa ngay hành vi sai
Bà Trương Thị Tố Trinh - Nhà khai vấn cuộc sống từ Liên đoàn Khai vấn Quốc tế, Chuyên gia đào tạo về Kỷ luật tích cực - cho biết: “Thông thường theo chủ nghĩa hành vi, ta có khuynh hướng sửa chữa hành vi sai trái ngay lập tức. Việc này có tác dụng tức thời nhưng có thể cắt đứt sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con. Để tránh được nguy cơ này, ta có thể thử áp dụng quy trình: Hiểu – Thương – Đồng hành và Làm gương”.
Theo chuyên gia này, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là hiểu về tâm lý trẻ. Chỉ trích người khác khi con thất vọng là một hành vi thường gặp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm thế nào bố mẹ có thể giúp con và chính mình trong trường hợp này? Bởi, đôi lúc, các phụ huynh sẽ đối diện với cơn giận, sự thất vọng của trẻ.
Với trẻ nhỏ, cơn giận cũng có thể đến trong một tình huống đơn giản như lắp hỏng mô hình đồ chơi sau bao cố gắng. Lúc này, nỗi thất vọng tấn công và bủa vây lấy trẻ. Một số chọn ném vỡ đồ chơi, trong khi một số khác tức giận đổ lỗi cho người xung quanh. Quan trọng hơn hết, có thể lúc này, trẻ đã biết rất rõ lỗi do chính mình. Tuy nhiên, cảm giác tồi tệ này là quá sức chịu đựng đối với trẻ.
“Trong cuộc sống, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy xu hướng đả kích đổ lỗi cho sự vật, sự việc tồi tệ. Nhất là trong các tình huống đáng sợ, thất vọng hay buồn khổ. Ví dụ: Chúng ta đổ lỗi bạn đời vì đã khiến chúng ta mất bình tĩnh và tức giận. Khi một người thương yêu mất đi vì bệnh tật, ta có thể nổi giận và đổ lỗi cho bác sĩ hay số phận. Chúng ta có thể đổ lỗi con đã không nghe lời khiến chúng ta phải dùng trừng phạt. Đặc biệt là, sau khi lấy lại bình tĩnh, ta cảm nhận rằng có chút không công bằng cho người bị đổ lỗi”, bà Tố Trinh chia sẻ.
Theo chuyên gia, điều này cũng tương tự với việc trẻ luôn đổ lỗi cho người xung quanh. Vì vậy, điều cần thiết là trẻ cần tăng tính trách nhiệm và ngừng trút giận lên người khác.
Bà Tố Trinh nhận định, có thể trẻ đang có khoảng thời gian khó khăn. Với tình yêu vô điều kiện, liệu các phụ huynh có đủ bao dung, giúp con cả khi trẻ không hoàn hảo? Tuy nhiên, phụ huynh không nên nghĩ về giải pháp răn dạy và trừng phạt, hoặc mời trẻ vào góc time-out cách biệt để tự ngẫm về lỗi lầm của mình. Thay vào đó, hãy thử bắt đầu bằng tình yêu thương, sẵn sàng nhận trách nhiệm “giúp đỡ” đứa trẻ của mình.
Bình tĩnh với trẻ
Bà Tố Trinh dẫn chứng, Tiến sĩ Laura Markham đưa ra phương pháp cha mẹ ôn hòa và khuyến khích phụ huynh giữ bình tĩnh khi dạy trẻ. Khi con cảm thấy đang ở tình huống khẩn cấp, thái độ bình tĩnh của cha mẹ sẽ truyền thông điệp an toàn cho con. Khi đó, trẻ sẽ không cần phải bật chế độ “Fighting” (chiến đấu) để bảo vệ mình.
Ngoài ra, điều vô cùng quan trọng là phụ huynh nên đồng cảm với con. Thừa nhận những gì trẻ đang trải qua sẽ giảm bớt cảm giác trống trải một mình trong mớ cảm xúc. Phụ huynh cũng nên bỏ qua việc đối diện với cơn giận dữ của trẻ. Thay vào đó, hãy chỉ tập trung ghi nhận những gì cha mẹ nhìn thấy. Phụ huynh có thể nói với trẻ rằng: “Mẹ thấy sau tất cả những gì đã làm được, thì giờ nó lại bị thế này. Thật khó chịu”.
Cha mẹ cũng được khuyến khích không tấn công ngược lại trẻ. Đôi khi, trẻ có thể tấn công cha mẹ bằng cơn giận dữ để trốn tránh và vơi bớt nỗi đau buồn của bản thân. Khi bước vào một cuộc cãi nhau, trẻ sẽ không phải tiếp tục chịu đựng cảm giác khó chịu. Do đó, cha mẹ được khuyến khích không bước vào cuộc chiến này.
“Khi trẻ nói ‘đây là lỗi của mẹ", hãy phản hồi bằng việc ghi nhận tâm trạng tồi tệ đó. "Con đang thật sự thất vọng". Nếu con chuyển sang những người xung quanh khác, cha mẹ chỉ cần nói: "Bây giờ, có vẻ đây là lỗi của mọi người. Mẹ thật tiếc khi con đã gặp chuyện này. Con có thể nổi cơn tam bành như con muốn, nhưng ta sẽ không hét vào mặt của bố hay bà”, bà Tố Trinh gợi ý.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần trở thành hình mẫu của việc chịu trách nhiệm. Trong tình huống này, mục tiêu của phụ huynh là giúp con hiểu rằng: Bất kỳ việc gì xảy ra trong cuộc sống cũng đều do một phần trách nhiệm của trẻ, thay vì đổ lỗi cho người khác. Trên thực tế, khi trẻ “đổ lỗi” bằng cách nói “Tất cả là lỗi của mẹ”, phụ huynh có thể trả lời: “Mẹ ước mẹ đã không đi lại gần con như vậy trong khi con đang cố gắng làm việc đó. Mẹ rất tiếc vì con gặp chuyện này”. Song, phụ huynh cũng không cần phải nói rằng: “Đây không phải là lỗi của mẹ”. Cha mẹ cũng không nên tự trách mình. Nếu không có “lỗi” thì không có gì sai khi nói rằng, cha mẹ ước mọi thứ đã khác.
“Sau khi trẻ bình tĩnh, lúc này, bố mẹ có thể trò chuyện cùng con. Miêu tả sự việc, ảnh hưởng của sự nóng giận và đổ lỗi, cuối cùng là thực hành nhận lỗi, chịu trách nhiệm. "Con đã rất thất vọng về việc này. Khi con đổ lỗi cho bà hay bố, đây thật sự là cảm giác không dễ chịu. Mẹ tự hỏi con có thể làm gì để có thể cải thiện tình hình với bố và bà?’”, chuyên gia gợi ý.
Bên cạnh đó, cần tạo ra mô hình “gia đình không đổ lỗi”. Khi lớn lên trong gia đình luôn đổ lỗi, trẻ thường có xu hướng thiên về thế phòng thủ, đổ lỗi hơn là chịu trách nhiệm. Theo bà Tố Trinh, các gia đình tập trung vào giải pháp thay vì đổ lỗi sẽ nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng chịu trách nhiệm cao hơn. Bởi, thừa nhận sai lầm không có nghĩa là con “sai” hoặc “tồi tệ”.
“Mỗi khi bắt đầu đổ lỗi, hãy để bản thân tự hỏi chính mình: Chúng ta có thể làm gì để giải quyết vấn đề này?”, bà Trinh chia sẻ.