Sau khi có trẻ sinh non, bác sĩ vẫn luôn yêu cầu phải tầm soát bệnh lý này.
Vì sao trẻ sinh non thường mắc bệnh lý võng mạc ở mắt?
Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, võng mạc bình thường được mạch máu hóa bắt đầu từ gai thị dần ra bên ngoài (chu biên). Quá trình này diễn ra trong suốt nửa cuối thai kỳ. Mạch máu chu biên phía mũi ra đến vùng nối giữa võng mạc và thể mi (ora serrata) vào tuần thứ 36 của thai kỳ. Mạch máu chu biên phía thái dương chỉ mạch máu hóa hoàn toàn vào tuần thứ 40 hoặc một thời gian ngắn sau sinh. Trẻ sinh non chưa đủ tháng khiến quá trình phát triển của mạch máu võng mạc bị gián đoạn. Võng mạc chưa phát triển hoàn thiện, không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến khả năng mắc bệnh lý võng mạc.
Theo phân loại quốc tế của bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ bệnh nặng được dựa trên: Vị trí đường giới hạn giữa vùng võng mạc có mạch máu và không có mạch máu; Phân bố giai đoạn tiến triển (Stage); Phân bố giải phẫu của vùng tổn thương. Bệnh lý kèm theo. Trong đó Bệnh lý võng mạc vùng sau tiến triển là dạng bệnh nặng, tiến triển nhanh.
Đặc điểm của dạng này là xảy ra ở vị trí phía sau, thường có bệnh lý kèm theo nổi bật và có giới hạn vùng của bệnh không xác định rõ, động mạch xoắn ngoằn nghèo, tĩnh mạch giãn lớn, đôi khi có xuất huyết ở ranh giới vùng có mạch máu và vùng vô mạch. Thường xuất hiện đi kèm các dấu hiệu báo trước tiến triển nhanh và nặng hơn: tân mạch mống mắt, đồng tử cứng, giãn kém, vẩn đục dịch kính, xuất huyết dịch kính hoặc xuất huyết trước võng mạc nhiều.
Hình ảnh võng mạc.
Ảnh hưởng đến mắt của trẻ thế nào?
Một số trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần theo dõi sẽ tự thoái triển, không cần bất kỳ can thiệp điều trị nào. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nặng tiến triển nhanh đòi hỏi phải can thiệp kịp thời, nếu không sẽ có biến chứng gây bong võng mạc hậu quả dẫn đến mù lòa.
Chính vì vậy, phải khám tầm soát và tuân thủ điều trị của các bác sĩ. Cần phải theo dõi lâu dài sau điều trị (3 tháng, 6 tháng và hàng năm) để phát hiện các biến chứng muộn như: tật khúc xạ, nhược thị, lé, tăng nhãn áp, bong võng mạc... Trẻ có tật khúc xạ: chỉnh kính sớm, đeo kính và điều trị chống nhược thị. Trẻ khiếm thị, mù: cần giáo dục hòa nhập, sử dụng dụng cụ trợ thị. Trẻ sinh non mà không cần điều trị bệnh lý võng mạc cũng cần kiểm tra thị lực, đo khúc xạ và đeo kính nếu cần thiết.
Phương pháp điều trị bệnh võng mạc trẻ sinh non
Có nhiều phương pháp, tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ lựa chọn cho bé thích hợp. Cụ thể các trường hợp sau:
Laser quang đông: Mục đích là dùng laser hủy những vùng võng mạc vô mạch phía chu biên nhằm ngăn chặn sự tăng sinh bất thường của các mạch máu gây co kéo võng mạc, bảo toàn được vùng võng mạc trung tâm là vùng có chức năng quan trọng nhất.
Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được nếu môi trường đục (đục giác mạc, đục thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính...), thời gian thực hiện kéo dài, có thể để lại sẹo vĩnh viễn làm thu hẹp tầm nhìn.
Tiêm thuốc anti-VEGF: Mục đích tiêm thuốc vào nội nhãn do tác dụng ức chế sự tăng sinh các tân mạch.
Sau tiêm có thể có biến chứng dù ít: xuất huyết dưới kết mạc, viêm mủ nội nhãn, xuất huyết dịch kính, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, những mạch máu bất thường tiếp tục tăng sinh gây co kéo làm bong võng mạc...
Phẫu thuật cắt dịch kính: Có chỉ định khi trẻ bị bong võng mạc.
BSCK2. Nguyễn Thị Ngọc Anh