1. Hệ thống miễn dịch là gì?
Miễn dịch là một cơ chế bảo vệ, trong đó cơ thể chúng ta được bảo vệ khỏi bệnh truyền nhiễm. Nó hoạt động thông qua hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và tiêu diệt các sinh vật có hại ảnh hưởng tới cơ thể chúng ta.
Hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi sinh vật như nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng và virus gây ra. Hệ thống này được tạo thành từ các tế bào, protein, mô và cơ quan khác nhau. Nó tạo ra kháng thể để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập và giữ cho cơ thể chúng ta khỏe mạnh. Đó là lý do tại sao các bác sĩ và chuyên gia luôn nhấn mạnh việc duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Gần đây, mối quan tâm về khả năng miễn dịch đã trở nên quan trọng và phù hợp hơn sau khi đại dịch COVID-19 tấn công thế giới. Sự bùng phát dịch đã cho thấy rằng những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh được trang bị tốt hơn để đối phó với sự tấn công của SARS-CoV-2.
2. Điều gì gây ra khả năng miễn dịch thấp ở trẻ em?
Chế độ ăn ít protein có thể gây ra khả năng miễn dịch thấp ở trẻ em. Thực phẩm không lành mạnh như đồ ăn vặt trong chế độ ăn của trẻ có thể gây ra khả năng miễn dịch thấp. Không đủ cân bằng về tập thể dục, ngủ và ăn uống tốt có thể dẫn đến khả năng miễn dịch thấp. Một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến khả năng miễn dịch thấp ở trẻ em.
Có nhiều loại vaccine tốt cho trẻ em mà chúng ta sử dụng để giúp trẻ miễn dịch với bệnh tật. Tuy nhiên, chúng ta không thể bảo vệ trẻ khỏi tất cả các loại bệnh tật. Ngoài ra, trẻ em còn tiếp xúc với nhiều loại vi trùng, bọ và nhiễm trùng có thể khiến trẻ dễ bị ốm nếu hệ miễn dịch của chúng không mạnh. Vì vậy, xây dựng khả năng miễn dịch không chỉ là chống lại SARS-CoV-2, mà còn là cần thiết để chống lại các bệnh tật khác.
Mặc dù y học hiện đại đã phát triển một chặng đường dài nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn về sự ảnh hưởng của các loại bệnh đối với cơ thể con người. Việc lành mạnh duy nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân là tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta càng nhiều càng tốt.
3. 7 loại thực phẩm tốt nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ em
Nếu bạn muốn xây dựng khả năng miễn dịch cho con mình, hãy bổ sung những thực phẩm tăng cường khả năng miễn dịch này vào chế độ ăn của con bạn.
3.1 Trái cây
Nếu bạn đang muốn trang bị cho con mình một hệ thống miễn dịch tốt hơn, lựa chọn trái cây sẽ giúp ích cho bạn. Hãy bổ sung trái cây vào mỗi bữa ăn hàng ngày của con bạn và yêu cầu chúng ăn hết khẩu phần. Tốt nhất là con bạn cần ăn, nhai từng miếng trái cây trong miệng. Điều này mang lại cho chúng một khẩu vị tuyệt vời và sức khỏe trong tương lai.
Nhiều người sẽ gợi ý rằng nước trái cây đóng gói sẽ giúp ích nhưng điều này là sai lầm. Bạn nên biết rằng lợi ích sức khỏe của trái cây có được là nhờ phần chất xơ phong phú và lượng vitamin dồi dào có trong các loại thực phẩm này. Nước trái cây chế biến sẵn chắc chắn bị mất đi phần lớn vitamin tự nhiên và có thể chứa nhiều đường, gây hại cho sức khỏe của con bạn.
Một số loại trái cây giàu chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch bao gồm:
- Trái cây có múi: Bưởi, cam, quýt, chanh vàng và chanh đều rất giàu vitamin C và rất tốt cho cơ thể để chống lại nhiễm trùng.
- Việt quất: Quả việt quất có chứa anthocyanin. Đây là một chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch hiệu quả. Điều tuyệt vời hơn là nó chứa ít calo và là một lựa chọn tốt cho những người muốn giảm cân.
- Táo: Táo là một nguồn đường tự nhiên tuyệt vời. Ngoài các vitamin cần thiết, táo còn cung cấp chất xơ cho cơ thể. Táo có quercetin hoạt động để duy trì khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, bạn nên ăn cả vỏ táo vì nó có nhiều vitamin thiết yếu cho cơ thể.
- Lê: Lê có đặc tính chống viêm cùng với chất xơ, kali và vitamin C. Chúng là một nguồn tuyệt vời để tăng cường khả năng miễn dịch cho con bạn.
3.2 Rau
Các nhà dinh dưỡng hướng dẫn lượng rau mỗi ngày cho trẻ em theo từng độ tuổi như sau.
- Trẻ từ 1-2 tuổi nên tiêu thụ khoảng 1-2 cốc rau mỗi ngày
- Trẻ từ 2-3 tuổi nên có 2-3 cốc rau mỗi ngày.
- Trẻ từ 4-8 tuổi nên có 3-4 cốc rau mỗi ngày.
Rau cung cấp cho trẻ năng lượng, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa và nước. Các chất dinh dưỡng phong phú trong các loại rau xanh giúp bảo vệ con bạn chống lại các bệnh mạn tính sau này, như bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường và một số bệnh ung thư.
Một chế độ ăn uống lành mạnh có nghĩa là ăn nhiều rau kết hợp với nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm chính khác. Không gì có thể thay thế cho rau. Dù con bạn là người ăn thịt, ăn chay hay thuần chay, thì việc ăn rau luôn mang lại lợi ích sức khỏe tuyệt vời.
Đây là một số loại rau quan trọng cần có trong chế độ ăn uống thường xuyên của con bạn.
- Lá chùm ngây: Lá chùm ngây nên được đảm bảo có mặt trong thực đơn của con bạn theo thời gian. Chùm ngây chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp ích cho cơ thể của bạn, bao gồm axit amin, canxi, sắt, chất chống oxy hóa,...
- Bông cải xanh: Đây là một loại rau chứa nhiều chất chống oxy hóa, nó cũng có một lượng vitamin dồi dào bao gồm cả vitamin C. Bông cải xanh là một trong những thực phẩm tăng cường miễn dịch tốt nhất cho trẻ em, vì vậy hãy đảm bảo bạn bổ sung nó cho trẻ hàng ngày.
- Các loại rau lá xanh: Bạn nên tăng cường các loại rau xanh và dạy con bạn cũng yêu thích nó. Rau lá xanh chứa tất cả các loại chất bổ, bao gồm vitamin B, kali, sắt, chất xơ, và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp cho con bạn khỏe mạnh hơn.
3.3 Sữa chua
Không thể phủ nhận rằng men vi sinh rất tốt cho cơ thể chúng ta. Chúng hỗ trợ hệ tiêu hóa của chúng ta, tăng vi khuẩn tốt và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bổ sung sữa chua trong chế độ ăn của trẻ sẽ có nhiều lợi ích cho sức khỏe vì nó là nguồn cung cấp vitamin D, canxi, kali và các chất dinh dưỡng khác giúp cải thiện hệ thống miễn dịch ở trẻ một cách tự nhiên.
3. 4 Các loại hạt và trái cây khô
Các loại hạt là kho tàng tự nhiên của các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chất béo lành mạnh, protein và chất xơ, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển và học hỏi. Các loại hạt bao gồm hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, quả phỉ, hạt macca, quả hồ đào, hạt thông, quả hồ trăn và quả óc chó. Đây là nguồn cung cấp vitamin B, E, niacin, folate, protein và mangan và chứa nhiều khoáng chất quan trọng như đồng, mangan, kali, canxi, sắt, magiê, kẽm và selen.
Các loại hạt cung cấp chất béo tốt, giúp tăng cường hoạt động của não. Thường xuyên ăn các loại hạt như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm cholesterol, điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim, duy trì nhu động ruột đều đặn và thậm chí hỗ trợ sức khỏe của xương.
Các loại hạt tốt cho tim mạch vì chúng là nguồn cung cấp axit béo không bão hòa đơn. Một số loại hạt như óc chó, hạnh nhân,... có chứa một lượng lớn chất béo omega 3. Được coi là siêu lành mạnh cho sự phát triển trí não ở trẻ em, các loại hạt cũng giúp giữ cho hệ thống miễn dịch của trẻ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, các loại hạt có thể gây nguy cơ hóc và tắc nghẽn đường thở, vì vậy hãy đảm bảo con bạn được an toàn trước khi đưa các loại hạt vào thực đơn như một món ăn nhẹ. Tuổi tốt nhất là khi trẻ bắt đầu cầm nắm thức ăn cứng và cảm thấy thoải mái với kết cấu. Hầu hết trẻ đều có thể ăn hạt tốt sau 3 tuổi. Đối với trẻ em từ 2 - 3 tuổi có thể chế biến thành dạng bột hoặc xay nhỏ và nấu chín dạng sữa hạt.
3. 5 Các loại thảo mộc và gia vị
Mọi người thường đánh giá thấp lợi ích của gia vị và nghĩ rằng nó chỉ được sử dụng để tăng thêm hương vị cho món ăn. Tuy nhiên, một số loại thảo mộc và gia vị có thể tăng cường khả năng miễn dịch và chuẩn bị cho cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- Củ nghệ: Nghệ chứa chất curcumin, là một chất kháng virus mạnh cho cơ thể chúng ta. Một thìa cà phê nghệ trộn với sữa ấm 2 lần một ngày có thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus gây ra.
- Húng quế: Húng quế đã được sử dụng từ nhiều đời nay để làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh, cảm cúm và đau họng. Nó được biết là làm tăng các tế bào "T" trong cơ thể, giúp chống lại nguy cơ bệnh tật một cách tự nhiên.
- Quế: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quế có tác dụng chữa bệnh đối với cơ thể. Điều này bao gồm các tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và điều hòa miễn dịch. Một lượng nhỏ quế trong chế độ ăn uống của trẻ có thể làm nên điều kỳ diệu về lâu dài.
- Gừng: Gừng có các đặc tính chống viêm và chống oxy hóa tốt. Nếu bạn bị đau họng hoặc bị ho, một thức uống ấm với gừng có thể là phương thuốc tốt nhất.
3. 6 Thực phẩm lên men
Nếu bạn đang tìm kiếm men vi sinh cần thiết ngoài sữa chua, bạn có thể tìm hiểu cho trẻ uống Kefir ( thức uống lên men từ sữa). Các nghiên cứu cho thấy Kefir cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp tiêu hóa thức ăn, chống lại các tế bào gây ung thư và duy trì sức khỏe của xương.
3. 7 Thịt nạc
Thịt gia cầm và thịt nạc có nhiều chất đạm. Chúng chứa nhiều kẽm và giúp tránh nhiễm trùng. Nếu bạn không ăn chay, hãy cân nhắc thử các loại thịt nạc để tạo hứng thú ăn cho con bạn. Trong khi xem xét các loại thực phẩm tăng cường miễn dịch cho trẻ em, thịt nạc giúp ích rất nhiều.
4. Cách tốt nhất để xây dựng khả năng miễn dịch cho trẻ
Muốn xây dựng khả năng miễn dịch ở trẻ em nên bắt đầu từ những năm đầu đời của chúng. Cách tốt nhất để bắt đầu là cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ giúp tạo ra kháng thể chống lại nhiễm trùng. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ phát triển cho trẻ một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
Khi trẻ mới biết đi, cha mẹ có thể bổ sung trái cây, rau, quả hạch và các sản phẩm từ sữa vào chế độ ăn của trẻ. Hơn nữa, áp dụng các thói quen như vận động, vui chơi ngoài trời, giữ vệ sinh tốt, và tránh dùng thuốc kháng sinh không cần thiết cũng là điều cần thiết để có một hệ miễn dịch tốt và một cơ thể khỏe mạnh, phát triển toàn diện.
Để tăng cường khả năng miễn dịch một cách tự nhiên, bạn cần tạo cho trẻ thói quen uống nhiều nước, thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và ngủ đủ giấc.