Những bài học cần dạy trẻ về văn hóa ngày Tết
Đối với người dân đất Việt, Tết không chỉ là dịp để quây quần sum họp bên gia đình, mà còn chứa đựng trong đó bản sắc dân tộc. Hiện nay, trước kỳ nghỉ Tết, nhiều trường học tổ chức hoạt động ý nghĩa để trẻ được trải nghiệm Tết. Trẻ được tham gia hội chợ Tết, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian....Trường mầm non Quang Trung cũng không bỏ lỡ thời gian quý giá này để dạy trẻ những bài học hay về cuộc sống, về những phong tục đẹp của dân tộc trong ngày tết cổ truyền.
Ảnh chuẩn bị đón Tết
Ngày xưa, cả năm chỉ mong đến Tết để được ăn no, còn trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ ngày nào cũng ăn ngon như Tết nên nhiều người không còn thấy hào hứng, mong chờ Tết nữa. Có điều không phải vì thế mà chúng ta “ăn tết” qua loa và quên đi việc giáo dục học sinh về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết.
Để trẻ được trải nghiệm Tết
Vào những ngày cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết các con cũng có cơ hội phụ giúp cha mẹ từ những việc nhỏ như dọn dẹp đồ chơi, gấp quần áo, quét nhà,…Thế tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết? Cô giáo đã giáo dục cho học sinh của mình biết rằng: “Dọn dẹp nhà cửa cuối năm để nhà cửa gọn gàng đón năm mới, vì dịp này sẽ có nhiều người đến nhà chơi. Dọn dẹp nhà cửa trước ngày Tết còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới An khang, Thịnh vượng”.
Cũng theo cô giáo Đinh Thị Chính, trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp cần giáo dục cho các em. Trong đó, bữa cơm tất niên, tân niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt. Theo cô, ngày 30 Tết, gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn tết, sum họp cùng con cháu. Ngày mùng 1 Tết, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tân niên. Việc này thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt. Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, bữa cơm tất niên, tân niên có giá trị văn hóa gần với gia đình, thể hiện ý nghĩa sum họp. Đây sẽ là mâm cơm có đủ đầy các thành viên trong gia đình sau một năm đi làm ăn xa. Với những ý nghĩa đặc biệt như thế, chúng ta cần phải tôn trọng, giáo dục, gìn giữ cho thế hệ sau.
Ảnh bữa cơm gia đình
Dạy trẻ cách ứng xử với tiền lì xì
Mừng tuổi (lì xì) đầu năm là tập tục đẹp, được lưu truyền từ nhiều đời nay mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, hiện nay phong tục này ít nhiều đã bị biến tướng, méo mó vì mục đích cá nhân.
Không ít trẻ em hiện nay chỉ biết được lì xì là sẽ có tiền, mà không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của phong tục đẹp đẽ này. Chính vì thế, nhiều bé bắt đầu có nhận thức sai lệch về lì xì, trở nên thực dụng khi chê bai những người lì xì ít tiền. Do vậy, việc giáo dục các em cần hiểu ý nghĩa và cách nhận khi được lì xì là rất quan trọng. Lì xì đầu năm, để cầu mong cho trẻ nhỏ được khỏe mạnh, học hành thông minh, có chí hướng vươn lên và mang đến sự may mắn. Vì thế, các cô giáo trường Tiểu học B Kim Mỹ đã dạy học sinh mình luôn biết mỉm cười và nói lời cảm ơn khi được người lớn lì xì. Nếu con quên, cha mẹ hãy gợi ý cho trẻ nhớ. Nên tránh việc chê bai ít nhiều, xé bỏ bao lì xì trước mặt khách, hay giành giật bao lì xì,… Chỉ những điều đơn giản như vậy, nhưng cũng giúp cho con trưởng thành hơn.
Hình ảnh nhận lì xì
Các thầy cô cũng không quên dạy học sinh về Tết cổ truyền đó là biết chúc Tết. Phong tục chúc Tết cũng là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Các cô đã gợi ý cho các em một số câu chúc Tết. Ví dụ, với ông bà thì chúc “ Chúc ông bà khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”, với người lớn thì chúc “sức khỏe dồi dào, làm ăn phát tài”, với anh/chị thì chúc “hạnh phúc, may mắn!”…
Những điều giáo dục trên tuy nhỏ bé nhưng chắc chắn cũng sẽ giúp cho các em hiểu về Tết và chuẩn bị có kỳ nghỉ Tết thêm ý nghĩa.