Kiếm cớ rút lui, tránh rơi vào phiền toái của thói ngồi lê đôi mách. Đó chỉ là một trong nhiều bài học dành cho trẻ mầm non về kỹ năng lời nói dối trắng.
Không phải bỗng dưng trên thế giới có ngày “cá tháng Tư” – ngày nói dối. Có lẽ vì nói dối quá phổ biến và có nhiều kiểu nói dối chưa hẳn đã là xấu nên nhân loại dành nguyên một ngày đầu tiên của tháng Tư để mọi người tha hồ nói dối nhau mà không bị bắt lỗi.
Những vụ nói dối nổi tiếng
1/ Trong tác phẩm “Những người khốn khổ” (Les Misérables) của Victor Hugo (1802 - 1885) có chuyện: Bốn ngày sau khi mãn hạn 19 năm tù khổ sai, Jean Valjean nương náu chỗ giám mục Myriel. Khi mọi người đã ngủ, Jean ăn cắp bộ đồ bạc của Giám mục, chạy trốn và bị bắt. Myriel nói với cảnh sát: đó là ông tặng cho Valjean và anh được cứu thoát. Khi chia tay, vị cha già căn dặn: “Anh không cần trả ơn tôi, anh nhất định phải trở thành người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người”.
Đúng là “một bồ cái lý bằng một tý cái tình”. Sau này cựu tù ấy trở thành một ông thị trượng rất ngay thẳng và nhân hậu.
2/ Jean Valjean đem Cosette chạy trốn lên Paris khỏi sự truy lùng gắt gao của Javert, trú trong Dòng tu kín mà viên thanh tra không được quyền khám xét, họ tạm thoát vì lời nói dối của bà soeur phụ trách tu viện (đã đi tu bao nhiêu năm rồi còn nói dối nhà chức trách!)
Ở trường hợp này, nói dối là tốt khi nó giúp ích cho người khác chứ không phải cho bản thân.
3/ Truyện "Chiếc lá cuối cùng" (O. Henrry - Mỹ) kể về một bệnh nhân tin chắc mình sẽ chết. Cô đếm từng chiếc lá rụng của tán cây ngoài cửa sổ và coi đó là chiếc "đồng hồ" số phận của mình. Khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cô sẽ chết. Nhưng chiếc lá cuối cùng không bao giờ rụng xuống. Cô gái bình phục, sống khoẻ mạnh mà không biết rằng: đó chỉ là chiếc lá "giả" do ông hoạ sĩ già muốn cứu cô đã vẽ lên bức tường ngay sau vòm cây trơ trụi.
Không chỉ “nói dối”, nhân vật trong truyện còn “làm dối”, vậy mà giữ được sự sống cho cô gái trẻ. Chứng tỏ sự thật đôi khi không phải được nhìn thấy bằng mắt, mà bằng tim.
Những tình huống “nói dối trắng”:
Trong câu chuyện hàng ngày, khi đưa con đi học, trong bàn ăn, lúc đi chơi… cha mẹ phân tích cho con hiểu về những tình huống được phép nói dối trong cuộc sống, trên phim ảnh, sách văn học, qua trải nghiệm của chính mình.
Nói dối để khen ai, không hại ai hay gây hậu quả gì, thế nên cũng chẳng tốt chẳng xấu. Nó như một thứ dầu mỡ bôi trơn các mối quan hệ nhưng sẽ làm trôi tuột tất cả nếu lạm dụng.
Cáo lỗi để tránh những cuộc vui chơi vô bổ hoặc lời rủ rê chào mời “thử cảm giác”. Đây là phép lịch sự.
Kiếm cớ rút lui, tránh rơi vào phiền toái của thói ngồi lê đôi mách. Trường hợp này là để tự vệ.
Không tiện từ chối thẳng lời tỏ tình hoặc kết bạn của ai đó. Nói tránh “có người yêu rồi” hoặc “cha mẹ không đồng ý” là một kiểu tế nhị. Ai đó đã nói: “Sự dối trá giết chết một tình yêu, nhưng sự thật phũ phàng cũng không làm cho nó sống lại”.
Không nói ra hoặc nói tránh về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân hoặc người đang ngóng đợi thân nhân trở về lại là hành động nhân đạo.
Nói khéo “không sao đâu” khi bị người khác làm phiền, “không mệt” khi bỏ sức giúp ai đó, “chưa đói, không thích lắm” khi nhường nhịn ai món ăn đều là cử chỉ lịch thiệp của người có văn hóa.
Nói dối xấu
Chưa làm mà cứ nhận đã làm rồi là điêu, đía, xạo, không thành thật.
Hứa mà không chịu làm là “nổ”, “chém gió”, nói dóc, thất hứa.
Làm sai rồi mà không chịu nhận chứng tỏ sợ phải giải quyết hậu quả, sợ phải gánh trách nhiệm, chối tội, hèn nhát.
Không làm được vẫn nói, vẫn đứng ra nhận chỉ cốt được việc, hưởng lợi, sĩ diện hão.
Nhận cái người khác làm là ăn gian, tham lam, cướp công.
Đổ vấy trách nhiệm cho người khác là tội lỗi.
Vu oan, vu khống, lừa đảo là tội ác.
Cuộc đời cha mẹ là bài học dạy con
Phụ huynh sống chính trực, ngay thẳng từ việc nhỏ nhất: xếp hàng trong siêu thị, không vượt đèn đỏ hoặc leo lên lề khi kẹt xe, cân đong buôn bán,…
Không nịnh hót để yên thân, kiếm chác lợi lộc. Không hối lộ cho được việc, tranh thủ cơ hội, giành lợi thế về mình. Không lờ đi những sự gian dối, bất công, coi đó không phải việc của mình. Không chèn ép người nói thật hoặc bưng bít sự thật…
Bênh vực người ngay lành, công chính.
Biết nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, hối lỗi, tha lỗi.
Tóm lại
- Con người phải luôn biết chiến đấu với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
- Người có giáo dục phải biết phán đoán và phân định đúng - sai, tốt - xấu, phải - trái, đẹp - xấu, hay - dở… từ đó có cách ứng xử hợp lý, tử tế, nhân hậu.
- Không phải lúc nào “nói huỵch toẹt ra”, “có sao nói vậy” là tốt. Các cụ dạy “nhanh ẩu đoảng, thật thà hư” nhằm khuyên răn những khi cần im lặng hoặc nói tránh, nói bớt, nói dối trắng.