Một gia đình đạp xe thể thao ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên khắp thế giới, có rất nhiều câu chuyện về sự hồi sinh của tự nhiên khi con người rút lui vào mái ấm của mình: rùa biển kéo nhau làm tổ, đẻ trứng trên bãi biển Phuket (Thái Lan); nai tung tăng đi dạo ở thủ đô London (Anh)...
Ở TP.HCM, tôi nhận thấy không khí trong thời gian giãn cách xã hội vào giờ cao điểm buổi sáng và tối có khá hơn.
Mặc dù có thể có rất nhiều lý do dẫn đến sự cải thiện này, chúng ta khó mà bỏ qua nguyên nhân là do người dân ở nhà nhiều hơn và cường độ hoạt động của chúng ta thực sự góp một phần lớn trong việc quyết định "sức khỏe" của Trái đất.
Dù đây là dấu hiệu tốt, môi trường không thể được cải thiện bằng những biện pháp thiếu bền vững với cái giá là nhiều người - đặc biệt là người nghèo, yếu thế - không thể làm việc hoặc bị mất việc và từ đó có cuộc sống bất ổn.
Khi phải chung sống với COVID-19 trong thời gian dài sắp tới, tôi nghĩ điều cần làm của chúng ta là hạn chế những ảnh hưởng của mình đến môi trường xung quanh theo cách tích cực hơn cách chúng ta từng làm trước đây.
Khi quyết định không trở về Canada mà ở lại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra, tôi đã dành nhiều thời gian hơn để liên lạc với bạn bè, người thân ở quê nhà.
Việt Nam đã quản lý dịch bệnh rất tốt, số ca nhiễm mới mỗi ngày rất thấp và không khí bình yên xung quanh có một phần làm tôi sốc khi biết COVID-19 đã gây ra tác động lớn như thế nào ở quê nhà.
Khi số ca mắc bệnh tăng lên và nhiều người tử vong tại Canada, tôi nhận ra việc gần gũi với gia đình mình là một điều quan trọng mà bấy lâu nay, do đi nhiều nước, tôi đã không để tâm.
Tôi yêu gia đình nhưng tôi luôn cảm thấy ổn với việc thỉnh thoảng mới nói chuyện với mọi người ở nhà từ một nơi nào đó trên thế giới kể từ hơn 20 năm qua.
Giờ đây, tôi cảm thấy mình cần nỗ lực hơn và duy trì việc liên lạc với gia đình thường xuyên, có mặt khi họ cần, dù là qua điện thoại.
Có thể gia đình luôn có ý nghĩa lớn ở Việt Nam và mọi người gắn bó, sống gần nhau nên không có sự khác biệt lớn trong vấn đề này. Với tôi và nhiều bạn bè của tôi, chúng tôi cam kết khi dịch bệnh qua đi, thói quen mới của mình sẽ là gần gũi hơn với gia đình mình.
Cẩn thận trong mỗi hành động với môi trường, yêu thương và đùm bọc nhau sẽ là những thói quen mới (mà cũ) và cần thiết với mỗi chúng ta.
Ryan Patey (người Canada) - Hồng Vân ghi
Việt Nam sẽ tiếp tục hành động đúng
Việt Nam đã hành động đúng ngay từ đầu, tiến hành các biện pháp như cách ly tập trung tất cả những ai nhập cảnh, từng bước siết chặt hành động, cách ly xã hội...
Việt Nam cũng yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang, các dịch vụ ăn uống đóng cửa để kiểm soát sự lây truyền của virus từ trong gốc rễ. Và phần tuyệt vời nhất, Việt Nam kêu gọi mọi người đồng lòng tham gia "cuộc chiến" này.
Dù là một người nước ngoài, tôi vẫn cảm thấy mình rất sẵn lòng làm theo hướng dẫn và yêu cầu của Chính phủ, tôi thích cái cách mà họ kêu gọi mọi người ủng hộ và giúp đỡ.
Họ cũng không bỏ rơi một ai, thậm chí những người già và có bệnh nền vẫn được chăm sóc tốt và cứu sống. Khi nghĩ đến điều này, tôi đã rơi nước mắt.
Đây là ví dụ tốt nhất cho việc cả cộng đồng cùng hành động. Tôi nghĩ về những máy "ATM gạo", nơi người ta giúp đỡ người nghèo, để không ai phải chịu cảnh đói khổ hay tuyệt vọng.
Đó là một điều rất tự hào mà Việt Nam đã làm trong cuộc khủng hoảng này, thậm chí dù tôi không phải là người Việt Nam, tôi vẫn tự hào về đất nước này bằng cả trái tim mình.
Tôi nghĩ sau đại dịch, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục làm những điều đúng đắn. Tôi được biết rằng chính quyền cũng đã nhắc đến "trạng thái bình thường mới" với ý thức rằng COVID-19 vẫn còn ở đâu đó.
Tôi nghĩ Việt Nam sẽ phát triển và xuất bản một bộ quy chuẩn dễ hiểu cho mọi người biết mình phải làm gì. Sẽ là điều tốt khi các cửa hàng và nhà hàng nhận thức được các nguyên tắc của "trạng thái bình thường mới" để không gây nguy hiểm cho khách hàng của mình.
HERBY NEUBACHER (người Đức) - NGỌC ĐÔNG ghi
Đừng sa thải tài xế xe đưa rước học sinh
Tôi có hai con đang học lớp 2 và lớp 6 tại một trường quốc tế Pháp ở Q.9, TP.HCM. Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh các con tôi và trẻ em toàn cầu "bỗng dưng thất học" dài đến thế. Những ngày này, gia đình tôi trao đổi với nhau nhiều nhất là về giáo dục.
Trong những ngày cách ly xã hội, trên các diễn đàn của phụ huynh có rất nhiều dòng thăm hỏi, sẻ chia ấm áp vào thời điểm không được ra đường này.
Trong đó có một câu chuyện mà chúng tôi hết sức cảm kích: có phụ huynh viết thư cho nhà trường đề nghị liên hệ với công ty dịch vụ xe đưa rước đừng sa thải tài xế, mà nên giữ họ để khi hết dịch họ sẽ vẫn đi làm lại vì học sinh đã quen thuộc và tin tưởng họ.
Sắp tới, tại Việt Nam, những ngày cách ly không còn nữa nhưng đại dịch kinh tế là điều sẽ đối mặt. Khi khó khăn mà đến với nhau bằng tình cảm sẻ chia thì tôi tin khó khăn sẽ nhanh lùi bước trước tình người.
Ravel Eric (người Pháp, sống tại Q.3, TP.HCM)
Việt Nam cần đầu tư sản xuất hàng nội địa
Tôi là giảng viên tại một số trường đại học quốc tế ở Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với cách phản ứng nhanh và quyết đoán của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Ở góc độ là giảng viên đại học, tôi có một góp ý nhỏ cho Việt Nam khôi phục kinh tế sau dịch. Cụ thể, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ.
Và cả hai nước này hiện nay vẫn đang đối mặt với những vấn đề của họ, trong đó Mỹ sẽ phải mất một thời gian lâu nữa mới hồi phục hoàn toàn để giao thương trở lại như trước.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển nên nhu cầu tiêu thụ chưa đủ lớn để bù đi phần mất khi không xuất khẩu được hàng hóa.
Trong đó, thị trường du lịch nội địa có lẽ sẽ ít bị ảnh hưởng nhất sau khi toàn bộ lệnh cách ly được gỡ bỏ, một phần do cơ sở hạ tầng đã có sẵn, phần khác do khách quốc tế vẫn chưa thể thoải mái đến Việt Nam.
Từ trước đến nay, khách du lịch nội địa chỉ gấp 4-9 lần số khách quốc tế, trong khi tại các nước lân cận như Philippines và Indonesia số khách du lịch nội địa gấp 25-50 lần khách quốc tế.
Chính vì vậy tôi tin rằng đây nên là hướng phát triển của Việt Nam để nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.