Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy dinh dưỡng là mối đe dọa đơn lẻ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Theo đó, có đến 45% trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do suy dinh dưỡng gây ra.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao, khoảng 24,3%
1. Suy dinh dưỡng trẻ em là gì?
Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm hoặc do bệnh tật. Có 2 loại suy dinh dưỡng chính, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng protein – năng lượng (PEM).
- Thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin và khoáng chất).
Theo quan điểm sai lầm của nhiều người, suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở trẻ em. Thế nhưng thực tế, suy dinh dưỡng còn có thể xảy ra ở các người trưởng thành. Trong đó, người lớn tuổi là đối tượng dễ gặp tình trạng này do khả năng hấp thụ dưỡng chất giảm dần theo tuổi tác.
2. Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ?
Suy dinh dưỡng ở trẻ có thể gây ra bởi một hoặc đồng thời các nguyên nhân sau:
- Bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng.
- Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của bé kém
- Tâm lý sợ hãi do phụ huynh ép ăn khiến cho bé bị biếng ăn.
- Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ và cho ăn dặm quá sớm thường không nhận được đầy đủ dưỡng chất.
Ép ăn là một trong những sai lầm thường gặp của bố mẹ khi thấy trẻ biếng ăn
3. Cách nhận biết trẻ đang bị suy dinh dưỡng
Chậm tăng trưởng: Không tăng trưởng với tốc độ dự kiến hoặc không tăng cân như thường lệ có thể là dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng của bé còn phụ thuộc theo từng độ tuổi. Theo ThS. BS. Lê Thị Kim Dung (Khoa Nhi - Hệ thống Phòng khám quốc tế CarePlus), trước 1 tuổi, bé tăng trưởng rất nhanh, thậm chí tăng từ 7 – 8kg/ năm. Thế nhưng sau 1 tuổi, tốc độ của bé sẽ dần chậm đi. Đây là hiện tượng bình thường nên bố mẹ cần chú ý để phân biệt. Tốt nhất là ba mẹ sẽ theo dõi tốc độ tăng trưởng của con theo biểu đồ tăng trưởng của WHO.
Thay đổi hành vi: Suy dinh dưỡng khiến bé có những hành vi bất thường như quấy khóc, ít vui chơi,… Ngoài ra, bệnh cũng khiến các bắp thịt tay chân của bé bị mềm nhão, bụng to dần.
Dễ mệt mỏi hơn những đứa trẻ khác: Trẻ suy dinh dưỡng không nhận được đầy đủ năng lượng từ thực phẩm. Vì thế bé sẽ dễ mệt mỏi và lừ đừ hơn những bạn cùng trang lứa.
4. Vì sao suy dinh dưỡng ở trẻ em nguy hiểm?
Suy yếu hệ miễn dịch: Suy dinh dưỡng do thiếu vi chất (kẽm, sắt và vitamin) sẽ làm cho hệ thống miễn dịch dần yếu đi. Lúc này, trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng nhiều hơn bao giờ hết. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ: Nếu bị nhiễm trùng đường tiêu hóa đồng thời với suy dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Từ đó gây chậm phát triển thể chất và trí tuệ ở trẻ.
Làm xuất hiện các vấn đề về sức khỏe: Thiếu các vi chất khiến sức khỏe của trẻ ngày càng tồi tệ hơn. Ví dụ, thiếu vitamin A gây ảnh hưởng xấu đến thị giác của trẻ; trong khi đó, thiếu protein và kẽm còn ảnh hưởng đến sự phát triển của xương…
Các vấn đề khác:
- Còi cọc.
- Không có khả năng giải quyết vấn đề.
- Ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội.
- Giảm khả năng chú ý.
- Trí nhớ kém.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Gặp vấn đề về ngôn ngữ.
- Lâu lành vết thương.
- …
Suy dinh dưỡng có thể khiến bé thấp hơn những bạn cùng trang lứa
5. Phòng ngừa và khắc phục suy dinh dưỡng ở trẻ em như thế nào?
Suy dinh dưỡng ở trẻ em ở thể phòng ngừa và khắc phục. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bố mẹ:
- Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ khi sinh ra do mẹ bị thiếu dưỡng chất trong quá trình mang thai là rất cao. Vì thế nên chú ý bổ sung đầy đủ dưỡng chất trong khi mang thai bằng viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất. Ngoài ra, nếu mẹ không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ thì cần bổ sung thêm canxi cho mẹ.
- Sữa mẹ rất tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ đã cung cấp đầy đủ dưỡng chất dành cho trẻ nhỏ. Vì thế nên nuôi con bằng sữa mẹ tối thiểu trong 6 tháng đầu.
- Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có nhu cầu dưỡng chất khác nhau. Vì thế, bố mẹ cần lưu ý để cung cấp đủ các dưỡng chất tùy theo độ tuổi của trẻ.
- Vận động giúp tiêu hao năng lượng hiệu quả và hỗ trợ cho trẻ tăng trưởng khỏe mạnh. Do đó, hãy khuyến khích bé vận động để tăng cảm giác thèm ăn, giúp trẻ khỏe mạnh.
- Biếng ăn do tâm lý là một trong những loại biếng ăn khó điều trị nhất và gây hệ quả lâu dài. Thay vì ép bé ăn, bạn nên tạo bầu không khí vui vẻ và luôn sáng tạo các món ăn mỗi ngày để kích thích bé ăn tự nhiên.
6. Tầm soát suy dinh dưỡng và thiếu vi chất hiệu quả tại hệ thống phòng khám quốc tế CarePlus
Trên thực tế, mặc dù cùng độ tuổi, giới tính nhưng nhu cầu dinh dưỡng của từng trẻ cụ thể sẽ khác nhau, cũng như các vấn đề về dinh dưỡng như sở thích ăn uống, lý do biếng ăn,… của mỗi trẻ cũng khác nhau. Trong khi đó, các tư vấn dinh dưỡng theo độ tuổi (bao gồm tháp dinh dưỡng) lại mang tính chất cộng đồng và tham khảo. Tốt nhất, trực tiếp thực hiện tầm soát sẽ giúp phụ huynh đánh giá một cách chính xác tình trạng của bé và có được sự điều chỉnh hợp lý nhất.
Thông qua các xét nghiệm, khai thác tiền sử phát triển/chế độ dinh dưỡng trước đây và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, bố mẹ sẽ biết bé có đang bị suy dinh dưỡng hay không hoặc mức độ suy dưỡng (nếu có). Trong đó nổi bật là phương pháp đánh giá chế độ ăn chuyên sâu - CarePlus 24h Recall:
- Giúp khắc họa rõ nét nhất những khiếm khuyết trong chế độ ăn của bé.
- Tìm được đúng nguyên nhân cho những vấn đề dinh dưỡng và đưa ra giải pháp phù hợp.
Suy dinh dưỡng ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng ngừa và khắc phục bằng cách cải thiện chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên cung cấp đủ các dưỡng chất phù hợp theo tình trạng của trẻ để tránh gây ra tình trạng béo phì hoặc các bệnh lý do dư thừa chất khác.