Nhận định về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc tiếp tục ghi nhận ca mắc là điều đã được dự đoán trước vì mầm bệnh tiềm ẩn luôn hiện hữu. Cùng với đó nguy cơ làn sóng thứ 2 gây dịch cũng có thể xảy ra nếu lơ là, chủ quan.
Mầm bệnh trong cộng đồng vẫn là nỗi lo trong kiểm soát dịch COVID-19 Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Coi chừng với việc tiếp xúc bề mặt vật dụng
Theo ông Nga, Việt Nam đang có 3 nguy cơ gây dịch. Đó là, những người ở các ổ dịch, gần nhất là ở Hà Nội, khi chưa qua 14 ngày. Tiếp đó là những người từ nước ngoài về, dương tính với virus mà chưa được phát hiện, sau đó đi vào trong cộng đồng. Cuối cùng là những người nhập cảnh phi pháp theo đường mòn, lối mở chưa được kiểm soát hết.
Đánh giá về nguy cơ dịch tại nước ta trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết, những ca mắc mới là du học sinh nhập cảnh về nước theo đường hàng không đã được cách ly và điều trị nên có thể tạm yên tâm dù có những người đã tiếp xúc với họ. “Hiện nay, hàng chục nghìn người đã về và sắp về nước, phải thực hiện cách ly tốt. Nếu không đảm bảo, để nhiễm chéo trong khu cách ly hoặc sót bệnh nhân ra ngoài cộng đồng sẽ làm dịch bùng phát”, PGS Nga nhận định.
Theo chuyên gia truyền nhiễm, đã 10 ngày Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc trong nội địa là điều rất tốt. Tuy nhiên quán hàng đã đông đúc trở lại sau thời gian giãn cách xã hội nên nguy cơ SARS-CoV-2 có thể lây qua tiếp xúc bề mặt của các vật dụng như thìa, đĩa, cốc, chén, mặt bàn…
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, khi đi ăn uống bên ngoài, để đảm bảo an toàn, người dân nên lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn và rửa tay xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn. Chú ý giữ đúng khoảng cách với người đối diện để tránh nguy cơ lây qua tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt nên từ bỏ thói quen vừa ăn vừa nói chuyện vì có thể làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng. Người bán hàng cần lưu ý đeo găng tay, khẩu trang đúng, mang mũ che giọt bắn. Các thực phẩm sử dụng chế biến món ăn phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng theo quy định về an toàn thực phẩm.
Chuyên gia cũng lưu ý người dân khi đi chợ, siêu thị bắt buộc phải đeo khẩu trang; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn với người bán; cố gắng mua nhanh không nên nói chuyện quá nhiều; nếu dùng tiền mặt để mua bán nên cho tiền vào một túi riêng. Sau khi đi chợ hay siêu thị trở về, người dân nên rửa tay bằng xà phòng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID -19, từ ngày 16/4 đến 26/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo vẫn có những người mang virus gây COVID-19 tồn tại trong cộng đồng mà chưa phát hiện được.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong khi chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại, mà bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.
“Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào mà tập trung nguồn lực, lực lượng phòng, chống dịch ở tất cả các cấp, các ngành”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nghiên cứu thêm về tái nhiễm COVID-19
Thông tin thêm về những ca đã khỏi bệnh bất ngờ dương tính trở lại với SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Bộ Y tế đã giao cho các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu để có câu trả lời về các ca tái nhiễm COVID-19.
Về vấn đề này, bác sĩ TS. Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng bệnh nhân dương tính lại là do thụ thể yêu thích của virus SARS-CoV-2 ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng. “Khi bệnh nhân đã được điều trị từ 6-7 ngày đến khi hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus. Dù 2 lần âm tính, nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi; các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus (hiểu nôm na là xác virus).
Mặc dù không gây bệnh nhưng xác virus vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính. Dương tính ở đây là phát hiện xác của virus chứ không có nghĩa là virus còn sống và đang gây bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những xác của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính”, TS. Phạm Quang Thái phân tích.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM giải thích, người bị nhiễm virus khi hết bệnh đa số thành người bình thường, không còn phát tán virus. Tuy nhiên, có một số nhỏ có thể chuyển sang thành người lành mang trùng, không triệu chứng nhưng trong người có virus. Thậm chí, còn có trường hợp, virus tồn tại trong họng nhưng tốc độ phát ra ngoài không nhiều nên không có sự lây nhiễm. Do đó, biện pháp phòng bệnh trong cộng đồng tốt nhất vẫn là tuân thủ 3 “chìa khóa” quan trọng, đó là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc.
“Với những trường hợp dương tính lại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư sẽ làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus nhân lên hay không… để kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Do đó mọi người có thể yên tâm về vấn đề này”.