Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì chủ trì Hội nghị.
Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại 1.324 điểm cầu với trên 16.000 đại biểu tham dự. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị.
6 nội dung tập trung thảo luận
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Năm học 2020-2021 là năm học hết sức đặc biệt, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.
Ngành Giáo dục đã cùng với chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành theo Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020 - 2021 của ngành Giáo dục; đồng thời phải khắc phục khó khăn liên tiếp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai. Trong bối cảnh đó, giáo dục mầm non cũng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, số trường mầm non tăng cao so với năm học trước, đặc biệt là việc tăng số trường mầm non tư thục (tăng trường, trong đó, trường công lập giảm trường, trường tư thục tăng trường).
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 08/NQ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, giảm số đầu mối và bộ máy hành chính nhưng bảo đảm chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Ưu tiên các nguồn lực để duy trì kết quả và đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, từng bước xóa phòng học tạm, học nhờ, đáp ứng cơ bản nhu cầu phòng học cho GDMN, đảm bảo đủ phòng học cho trẻ 5 tuổi.
Các địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách, bổ sung chính sách địa phương hỗ trợ cho đội ngũ, giúp giáo viên an tâm, gắn bó với nghề. Công tác quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều biến chuyển tích cực.
Các tỉnh, thành đã có nhiều biện pháp quản lý chỉ đạo thực hiện Chương trình giáo dục mầm non sáng tạo, hiệu quả. Tích cực đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, chủ động phát triển chương trình phù hợp với khả năng của trẻ em và tình hình thực tế của địa phương, nhà trường; quan tâm xây dựng và khai thác môi trường giáo dục; chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên và đạt kết quả nhất định.
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2020-2021 còn nhiều khó khăn, bất cập như: vấn đề thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tỷ lệ phòng học kiên cố và trường chuẩn quốc gia còn thấp; nhiều địa phương, tỉ lệ trẻ/lớp vượt quá nhiều so với quy định của Điều lệ; tình trạng bạo hành trẻ em có giảm tuy nhiên vẫn còn xảy ra ở một số địa phương.
Mạng lưới trường lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em. Còn thiếu nhiều trường, lớp cho con em công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; còn nhiều nhóm lớp độc lập tư thục chưa được cấp phép.
Công tác quản lý, thực hiện dân chủ ở một số cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý.
Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá đúng tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học vừa qua, khẳng định và ghi nhận những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm học 2020 - 2021 đối với Giáo dục mầm non, chỉ rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cho năm học mới.
Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng đưa ra một số nội dung tập trung thảo luận tại hội nghị, gồm:
Thứ nhất: Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn; việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo ở các địa phương, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chính sách phát triển giáo dục mầm non theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ở địa phương.
Thứ 2: Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ em mầm non, việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; việc khắc phục triệt để bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Thứ 3: Công tác quy hoạch mạng lưới và kế hoạch phát triển của Ngành đáp ứng tình hình mới và điều kiện cụ thể của địa phương; giải pháp để đảm bảo các điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và tiến tới cho việc phổ cập trẻ em dưới 5 tuổi; giải quyết phòng học tạm, học nhờ, phòng học 2 buổi/ngày; công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh ở các điểm trường vùng núi, khó khăn...
Thứ 4: Việc tuyển dụng giáo viên theo Đề án vị trí việc làm; giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên theo định mức; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên nấu ăn, nhân viên y tế; Việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống; giảm áp lực thời gian và hồ sơ sổ sách cho giáo viên yên tâm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Thứ 5: Công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực cùng tham gia phát triển giáo dục mầm non.
Thứ 6: Thảo luận về phương hướng nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.
Hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2020-2021
Báo cáo kết quả của giáo dục mầm non năm học 2020-2021, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non nhấn mạnh đầu tiên đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục 2019; các địa phương đã ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non theo yêu cầu tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; công tác kiểm tra giám sát có nhiều chuyển biến.
Bảo đảm an toàn cho trẻ, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cũng là kết quả giáo dục mầm non đạt được trong năm học vừa qua.
Cụ thể, các địa phương đã chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non thực hiện có hiệu quả Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ” theo Kế hoạch số 157/KH-BGDĐT; tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn số 1268/BGDĐT-GDMN của Bộ GD&ĐT.
Các địa phương đồng thời thực hiện có hiệu quả việc nhân rộng mô hình, điển hình tốt trong thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020 để nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Giáo dục mầm non đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm học: trên 5 triệu trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non được bảo đảm an toàn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1 bằng nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực; chế độ, chính sách cho trẻ em được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng cho biết: Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp tiếp tục được triển khai theo hướng dẫn của Bộ, nhiều địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khắc phục những tồn tại hạn chế. Các địa phương tiếp tục đầu tư mở rộng, xây mới trường lớp, tăng cường sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Những địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất đẩy mạnh việc thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đội ngũ giáo viên được nhiều tỉnh/thành phố quan tâm tuyển dụng bổ sung. Địa phương tích cực mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các địa phương quan tâm. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã có cơ sở vật chất hiện đại, môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, lành mạnh tạo niềm tin cho phụ huynh và nhân dân.
Nhiệm vụ trong năm học ứng phó với Covid-19
Bên cạnh các kết quả đạt được, giáo dục mầm non vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non. Còn có sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục và điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 diễn biễn phức tạp, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Ở một số địa phương, tỉ lệ trẻ em béo phì tăng lên so với năm học trước.
Việc chuyển đổi phương pháp giáo dục trong thời điểm dịch còn hạn chế do nhà trường thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, thiếu nguồn tài liệu, học liệu số. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa được đầu tư hệ thống CNTT để phục vụ công tác phối hợp với cha mẹ trong việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ. Đội ngũ giáo viên dù đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ nhưng còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non.
Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Trong khi cơ sở giáo dục của cấp học khác vẫn thu được học phí do tổ chức giảng dạy và học tập trực tuyến, hầu hết các giáo dục mầm non mầm non không thu được học phí do không thể tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non bằng hình thức trực tuyến. Dịch bệnh khiến nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể.
Năm học 2021-2022, với giáo dục mầm non, phương hướng chung là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường nền nếp, kỷ cương, chất lượng và hiệu quả trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non sau sửa đổi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; đẩy mạnh truyền thông về giáo dục mầm non.