Trường THPT Nguyễn Văn Nguyễn (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) phun thuốc khử khuẩn trường lớp chuẩn bị đón học sinh lớp 12 trở lại học vào ngày 20-4 - Ảnh: KHÁNH TRẦN
Nhiều địa phương báo cáo dạy học trực tuyến khả thi nhưng hầu hết vẫn mong muốn học sinh trở lại trường sớm, ngay trong tháng 4 hoặc muộn nhất là đầu tháng 5-2020.
Nghỉ học dài sẽ rất khó khăn
Tại Yên Bái, ông Vương Văn Bằng, giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sở đề xuất với UBND tỉnh nhiều phương án khác nhau, tùy theo tình hình. Nhưng sớm nhất ngày 20-4 học sinh sẽ trở lại trường học. Trong tình huống chưa an toàn thì có thể lùi đến 15-6.
"Ở những địa bàn khó khăn, việc học sinh nghỉ học dài sẽ rất khó khăn duy trì chất lượng và sự chuyên cần khi đi học trở lại. Vì thế nếu thời gian quá eo hẹp để hoàn thành năm học thì sẽ rất vất vả. Chưa kể có những nơi không áp dụng được các hình thức dạy học từ xa" - một chuyên viên của Sở GD-ĐT Yên Bái chia sẻ.
Nhiều tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình, Cao Bằng, Đắk Lắk, Lào Cai... đều đã công bố đề xuất cho học sinh đi học trở lại vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2020.
Trong số này, nhiều tỉnh vẫn còn một bộ phận học sinh chưa triển khai được dạy học qua Internet và truyền hình. Số học sinh này lại rơi vào nhóm ở các xã vùng khó, chất lượng dạy học thấp hơn các vùng thuận lợi khác.
Những tỉnh đề xuất cho học sinh trở lại trường từ sau 20-4 đều cho biết sẽ bố trí học sinh lớp 9, lớp 12 hoặc lớp 9 và học sinh bậc THPT đi học trước 1-2 tuần.
"Đây là đối tượng sẽ phải tham dự kỳ thi chuyển cấp và thi THPT quốc gia nên cần trở lại trường sớm hơn để học sinh còn có thời gian ôn thi. Học sinh trung học có ý thức hơn về việc phòng ngừa dịch bệnh nên cũng yên tâm hơn" - lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết.
Việc linh hoạt cho học sinh trở lại trường, bố trí theo các nhóm đối tượng ưu tiên cũng là quan điểm của Bộ GD-ĐT.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết những địa phương có nguy cơ thấp có thể xem xét cho học sinh trở lại trường nhưng nên ưu tiên lớp 9, lớp 12.
Việc sắp xếp thời khóa biểu cũng tính toán để đảm bảo an toàn, kiểm soát tốt nguy cơ dịch bệnh phát sinh.
Ví dụ như chỉ bố trí học sinh đến trường 3 buổi/tuần. Những buổi còn lại vẫn học trực tuyến, học qua truyền hình hoặc giáo viên giao bài có hướng dẫn cho học sinh tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa, làm đề cương ôn tập...