Các nhà Tâm lý học khẳng định: từ 3 đến 11 tuổi là khoảng thời gian phát triển vượt trội của bé, ảnh hưởng lâu dài tới việc giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình học hỏi sau này thì rất nhiều bậc phụ huynh lại băn khoăn, phải làm thế nào để có thể giúp con phát huy hết khả năng ở giai đoạn này?
Nhiều cha mẹ ngày nay rất chú trọng cho con đi học ngoại ngữ - một trong những tấm vé thông hành trong xã hội mở ngày nay, nhưng lại quên mất rèn luyện cho con khả năng tư duy để có thể tiếp thu tốt tất cả các môn học (trong đó có ngoại ngữ) thông qua môn học rất cơ bản – Toán học.
Toán học và khả năng tư duy
Ngoài việc cung cấp những nhận thức, kỹ năng, thói quen cần thiết, thì toán học có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển tư duy theo hướng tích cực và góp phần giải quyết những nhu cầu thực tế. Việc tiếp cận và rèn luyện Toán học giúp con người hình thành tư duy trừu tượng với đặc điểm là tuân theo các quy tắc của logic. Học toán không phải chỉ đề cập tới hàng loạt các con số, định lý, công thức phương pháp thuần tuý mang tính lí thuyết, mà cái cốt lõi của môn học này là phải hiểu được nguồn gốc thực tiễn của vấn đề và nâng cao khả năng ứng dụng, hình thành thói quen vận dụng nó trong cuộc sống. Và cuối cùng là vẻ đẹp của các phát minh của toán học mà thực chất là vẻ đẹp của sự sáng tạo, của sự say mê và lòng kiên nhẫn, ý chí vượt khó khăn, phương pháp tìm kiếm đúng đắn, khoa học.
Trẻ 3 tuổi có quá sớm để học Toán?
Đây là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh khi đề cập tới việc cho trẻ học Toán từ lúc 3 tuổi. Thực tế, theo các nhà Tâm lý học phát triển, đến 12 tháng tuổi, các giác quan của trẻ dần hoàn thiện, bé bắt đầu quan tâm đến mọi thứ và hiếm khi bỏ qua điều gì. Sự phát triển khả năng nhận thức của trẻ thể hiện thông qua sự phát triển của trí nhớ, khả năng tập trung; óc sáng tạo; trí tưởng trượng; tính tò mò và khả năng suy luận.
Khi 3 tuổi, trẻ có thể nhớ được và hát được những bài hát có vần điệu dài. Trẻ cũng giỏi bắt chước và giàu trí tưởng tượng, thích khám phá, tìm hiểu sự vật và bắt đầu hiểu được những khái niệm tương phản, thời gian. Trong giai đoạn này trẻ cũng biết xây dựng các mối liên hệ giữa “kinh nghiệm” và “thông tin” để giải quyết tình huống.
Chính vì vậy, việc cho trẻ tiếp xúc với môn Toán ở giai đoạn này là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dạy trẻ môn Toán ở giai đoạn này không đơn thuần là cung cấp các con số, các phép toán thông thường, mà phải có phương pháp giáo dục khoa học, hợp lý, trong đó phương pháp trực quan là vô cùng quan trọng với trẻ ở lứa tuổi này.
Những con số khô khan nên được thay bằng vật thật hoặc những hình ảnh, mô hình để vừa cung cấp cho bé những biểu tượng về Toán, vừa cho bé những trải nghiệm về sự vật, hiện tượng xung quanh vốn rất đa dạng, có sức hút mãnh liệt đối với bé. Bên cạnh đó, việc cho trẻ học Toán bằng cách tham gia vào các trò chơi nhận thức giúp bé phát huy khả năng tư duy và tính sáng tạo đồng thời phát triển khả năng ngôn ngữ và hoàn thiện khả năng giao tiếp cho bé.