STEM là gì mà rất nhiều phu huynh đầu tư cho con học tập? Ngoài việc dạy con biết đọc, biết viết khi bước vào lứa tuổi mầm non, một kĩ năng nữa mà cha mẹ nên nuôi dưỡng cho con ngay từ khi con nhỏ để giúp con thành công trong việc học tập cũng như cuộc sống sau này, đó chính là kĩ năng STEM. Hãy tìm hiểu xem ba mẹ có thể ứng dụng STEM vào phương pháp nuôi dạy con như thế nào nhé!
Kĩ năng STEM là phương pháp giáo dục tổng hợp của 4 ngành khoa học cần thiết trong thế kỷ hiện đại 21 đối với mọi trẻ em, gồm: Khoa Học - Công Nghệ - Kỹ Thuật - Tính Toán. Khi được giáo dục theo phương pháp này, trẻ sẽ tăng khả năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày dựa vào những kiến thức đã học.
Ví dụ như: Trẻ có năng khiếu trong trò chơi lắp ráp mô hình STEM sẽ có giác quan nhạy bén về môn hình học và có thể phát triển ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng,...
Nghe có vẻ như nó chỉ dành cho người lớn, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể xây dựng nền tảng cho con ngay từ tuổi chập chững. Bởi trẻ em từ 3 - 9 tuổi là giai đoạn não bộ phát triển mạnh mẽ, nên khả năng khám phá, sáng tạo của trẻ là vô cùng nhanh nhạy. Vì vậy, cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển toàn diện kĩ năng này vào những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày.
Khi nào nên dạy STEM cho trẻ?
Nhiều người thường thắc mắc khi nào nên bắt đầu dạy trẻ bằng phương pháp STEM? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Diana Wehrell – Grabowski, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Giáo dục Mobile Science cho rằng, độ tuổi lý tưởng nhất để bắt đầu dạy STEM là ở lứa tuổi mầm non cho biết:
Trẻ em chỉ hứng thú với với những thứ các em quan tâm. Nếu dạy các bé những điều các bé không quan tâm thì sẽ khó đạt hiệu quả như kỳ vọng. Trong khi đó, giáo dục STEM lại rất có lợi thế trong việc tạo sự hứng thú cho học sinh khi các em học sinh khi bài giảng không phải chỉ là những kiến thức đơn điệu, mà luôn có sự kết hợp liên môn, gắn với thực hành, trải nghiệm thực tế, làm việc nhóm.
Tiến sĩ Diana cũng chia sẻ: Trẻ con luôn tò mò nên các em là những nhà khoa học bẩm sinh. Vì thế, học STEM tốt nhất từ lứa tuổi mầm non và nhà giáo phải hiểu điều này để có phương pháp giáo dục phù hợp.
Thêm vào đó, ở lứa tuổi này con thực sự hứng thú với việc khám phá, tìm hiểu thế giới quanh con. Do đó, không có gì là quá khó khi cha mẹ bắt tay ngay vào việc xây dựng kĩ năng STEM cho con ngay độ tuổi này.
Ba mẹ có thể ứng dụng STEM vào phương pháp nuôi dạy con như thế nào?
Cho trẻ tiếp cận STEM bằng cách tự nhiên nhất
Ba mẹ có thể đưa STEM vào cuộc sống hành ngày. Ví dụ như khi nấu ăn có thể cùng trẻ tìm hiểu về các loại thực phẩm, bằng cách quan sát thực vật (sinh học) "màu sắc của rau này", "hình dạng của quả kia",... và đo lường lượng nước, đong đếm gia vị (tính toán) khi nấu các món ăn.
Đây là cách rất đơn giản và lúc nào cha mẹ cũng có thể thực hiện được. Chỉ cần khuyến khích con quan sát những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày cũng đủ để con thấy được thế giới quanh con kỳ diệu như thế nào.
Đưa trẻ đến với thiên nhiên
Không có gì giúp trẻ hứng thú hơn với việc khám phá, học hỏi khi các bé được tự do chơi đùa với thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá. Trong khi cùng trẻ vui đùa trong thiên nhiên, ba mẹ vẫn có thể ứng dụng STEM để giáo dục con, bằng cách thu thập mẫu đá, lá cây, sinh vật,… hoặc bất cứ những gì trẻ thấy thích. Hãy chỉ cho con thấy sự thay đổi giữa đêm và ngày, bông hoa đang nở tưng bừng khi hôm qua mới he hé nụ, sự chuyển động của gió, … để con tự mình được quan sát từ mọi giác quan của trẻ.
Và bạn cũng đừng quên chia sẻ những gì mình quan sát, cảm nhận được về cuộc sống với con, bằng cách sử dụng những câu hỏi “Cái gì?” - “Vì sao?”. Những câu hỏi này sẽ giúp trẻ phát huy khả năng tư duy và gợi mở sự sáng tạo tiềm ẩn. Hãy hỏi trẻ: “Chiếc lá này có hình dạng thế nào”, “Con gà đang làm gì?”, “Con đang thấy điều gì?".
Giải trí kết hợp với học tập, tại sao không?
Trẻ em luôn tò mò với mọi thứ và muốn khám phá thế giới của chúng. Liệu có những món đồ chơi nào giúp trẻ vừa giải trí vừa học tập hiệu quả?
Thật may mắn, những món đồ chơi STEM sẽ cho phép các bé được khám phá thế giới xung quanh theo cách thoải mái nhất. Trẻ có thể tự sáng tạo và lắp mô hình rô bốt, quan sát mọi vật qua kính hiển vi, khám phá hành tinh và các vì sao, khai thác năng lượng mặt trời và hơn thế nữa!
Vậy trò chơi STEM là gì? Đây là đồ chơi giáo dục được thiết kế để nhắm vào 4 kỹ năng STEM như trên. Những món đồ chơi này cho phép bé thí nghiệm, thử nghiệm, đồng thời thúc đẩy bé sử dụng các kỹ năng tư duy và trí tưởng tượng, sáng tạo. Bé có thể được vui chơi và thực hành thông qua các món đồ chơi đa dạng từ lắp ráp rô bốt, kính hiển vi, cho đến đồ chơi khảo cổ….Điểm chung của tất cả đồ chơi này là kích thích sự tò mò khám phá của trẻ và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, giúp trẻ khám phá ra tài năng và trau dồi kỹ năng từ sớm.
Vì thế ba mẹ có thể tạo cơ hội cho con được học hỏi dựa theo sở thích của trẻ. Nếu bé thích ô tô, ba mẹ có thể cùng trẻ lắp ráp mô hình các loại xe. Nếu trẻ ước ao được bay lượn, hãy cùng trẻ chơi trò ném máy bay giấy và yêu cầu trẻ ném chúng từ các độ cao, góc độ khác nhau, rồi cùng nhau so sánh và thảo luận về những điều thú vị này...
Hãy cho trẻ thực hành nhiều hơn
Bạn có thể dạy trẻ đếm số thật dễ dàng. Nhưng nếu muốn bé yêu nhanh nhạy hơn với những điều đã học, hãy để trẻ thấy những con số đó hoàn toàn có ích trong cuộc sống hàng ngày của con!
Vậy ba mẹ có thể dạy con thực hành với con số bằng cách nào? Các chuyên gia giáo dục cho biết, trẻ từ 3 tuổi đã có thể tiếp thu các con số và toán học qua thông qua thực tế rất dễ dàng. Trẻ sẽ nhớ lâu hơn nếu được ứng dụng những con số đó vào cuộc sống. Bạn có thể chỉ cho con giá tiền đồ vừa mua, cái nào đắt hơn và rẻ hơn. Cho con xem cách nhân viên siêu thị cân rau, thịt như thế nào. Để con tự lấy đúng số lượng đồ cần mua bỏ vào giỏ. Trên đường đi cha mẹ có thể chỉ cho con có bao nhiêu bậc cầu thang lên lớp học của con,...
Chắc chắn những điều này sẽ khiến con cảm thấy thú vị với các con số hơn hẳn việc chỉ được nghe nói, hay nhìn vào một quyển sách. Hy vọng ba mẹ có thể hiểu hơn về phương pháp giáo dục STEM, từ đó áp dụng thật thành công để nuôi dạy con phát triển thông minh toàn diện!