Trước khi biết cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý, bố mẹ cần học cách nhận biết dấu hiệu con có đang bị tình trạng này hay không.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (attention deficit hyperactivity disorder – ADHD) là một trong những rối loạn trong phát triển hệ thần kinh phổ biến nhất đối với trẻ nhỏ. Trẻ bị ADHD có thể gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý, kiểm soát các hành vi bốc đồng hoặc hoạt động quá mức.
Các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể được phân loại thành 2 loại vấn đề hành vi:
- Giảm chú ý: khó tập trung và chú ý.
- Tăng động: hiếu động thái quá và bốc đồng.
Nhiều trẻ mất tập trung giảm chu ý gặp phải các vấn đề thuộc cả hai loại này, nhưng không phải mọi trường hợp đều như vậy.
Trước khi biết cách dạy trẻ mất tập trung giảm chú ý, bố mẹ cần nhận diện dấu hiệu trẻ bị ADHD trước.
1. Các dấu hiệu trẻ bị mất tập trung
Các dấu hiệu chính của trẻ bị mất tập trung là:
- Có khoảng thời gian chú ý ngắn và dễ bị phân tâm.
- Mắc lỗi do bất cẩn – ví dụ như trong bài tập ở trường.
- Thường hay quên hoặc mất đồ.
- Không thể thực hiện lâu công việc tẻ nhạt hoặc tốn thời gian.
- Dường như không thể nghe hoặc thực hiện các hướng dẫn.
- Liên tục thay đổi hoạt động hoặc nhiệm vụ.
- Gặp khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức công việc.
2. Các dấu hiệu trẻ bị tăng động
Các dấu hiệu chính của trẻ bị tăng động và hành động bốc đồng là:
- Không thể ngồi yên, đặc biệt là trong không gian yên tĩnh.
- Liên tục bồn chồn.
- Không thể tập trung vào nhiệm vụ.
- Vận động thể chất quá mức.
- Nói quá nhiều.
- Không thể đợi đến lượt của mình.
- Hành động mà không suy nghĩ.
- Làm gián đoạn cuộc trò chuyện.
- Ít hoặc không có cảm giác sợ sự nguy hiểm.
Những triệu chứng này có thể gây ra các vấn đề đáng kể trong cuộc sống của trẻ; chẳng hạn như học kém ở trường, giao tiếp xã hội kém với bạn cùng lớp và người lớn khác; các vấn đề về kỷ luật.