Ích kỷ không chỉ là một đức tính không tốt dẫn đến sự vô cảm trong xã hội ngày một nhiều như hiện nay, mà còn ảnh hưởng đến sự hòa nhập của mỗi người. Do đó, ngay từ khi con còn bé bạn nên nhận biết sớm và có cách xử lý phù hợp khi con ích kỷ.
Khi nhận ra con mình có những biểu hiện của tính ích kỷ như không cho ai động vào đồ chơi của mình, hay giành đồ ăn với em ở nhà, không tự sắp xếp đồ chơi của mình sau khi chơi xong mà chờ bố mẹ làm thay mình… tôi bắt đầu thấy lo lắng. Sau đó, tôi đã tìm hiểu nhiều nguồn khác nhau từ trên mạng đến hỏi thăm các chị em đồng nghiệp về cách nuôi dạy con, để giúp bé bỏ thói ích kỷ của mình. Và tôi đã đúc kết được một số kinh nghiệm sau đây muốn chia sẻ với mọi người.
Cho trẻ biết niềm vui của việc chia sẻ
Việc trẻ không muốn chia sẻ đồ của mình với người khác là dấu hiệu ban đầu và dễ nhận biết của tính ích kỷ. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên quan sát hành vi của con để sớm điều chỉnh kịp thời. Trẻ nhỏ thường muốn mình làm trung tâm của mọi sự chú ý và muốn sở hữu riêng những món đồ vật mà không muốn ai đụng vào. Để hạn chế những điều này, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi tập thể cùng bạn bè như kéo co, xếp hình… Trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui thông qua các trò chơi và từ từ nhận biết được rằng chơi cùng các bạn sẽ thú vị hơn là chơi một mình. Bạn cũng nên rủ con cùng phụ giúp những việc nhà đơn giản với ba mẹ hay dọn đồ chơi cùng các bạn tại lớp. Điều này sẽ giúp con hình thành được ý thức chia sẻ công việc cũng như khó khăn cùng những người xung quanh.
Không phạt khi trẻ tỏ ra ích kỷ
Nhiều bố mẹ khi thấy con mình có tính ích kỷ thì ngay khi trẻ bộc lộ điều đó đã la mắng và trách phạt. Đây không chỉ là cách giáo dục con không hiệu quả mà còn làm cho trẻ cảm thấy uất ức, bất công vì không hiểu mình đã làm sai điều gì. Do đó, khi trẻ tỏ ra ích kỷ bạn hãy nhẹ nhàng phân tích cho bé hiểu và động viên bé chia sẻ cho bạn bè xung quanh cùng chơi khi bé có đồ chơi. Dần dần trẻ sẽ tự thấy được rằng cùng vui chơi với các bạn sẽ vui hơn nhiều so với khi chơi một mình.
Giúp trẻ bày tỏ suy nghĩ của mình
Không phải bất kỳ hành động nào của trẻ cũng là do từ ích kỷ bên trong mà có thể có nhiều tác nhân khác gây ra. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu trước nguyên nhân tại sao bé lại có hành động như vậy. Trẻ em tuy ít tuổi nhưng chúng vẫn có những suy nghĩ riêng mà đôi khi bố mẹ không hiểu hết được. Ví dụ như bé không muốn cho bạn chơi cùng một món đồ nào đó vì món đồ chơi ấy là vật kỷ niệm do người thân tặng bé chẳng hạn. Chính vì thế, bạn nên đặt mình vào tình huống đó và lắng nghe những suy nghĩ của trẻ, dùng những câu hỏi để trẻ thoải mái bộc lộ những suy nghĩ của bản thân.
Dạy trẻ cách xử lý vấn đề
Để dạy trẻ cách xử lý những vấn đề có thể gặp trong độ tuổi của mình thì bạn nên chọn cách trò chuyện và giả định ra những tình huống cụ thể để hướng dẫn trẻ giải quyết. Như trường hợp bé không muốn cho bạn mượn đồ chơi, bạn nên khéo léo nói với trẻ rằng khi con chia sẻ đồ chơi của mình cho bạn, bạn cũng sẽ làm điều tương tự với con. Từ đó, cả hai đều có rất nhiều đồ chơi mới, chắc chắn bé sẽ có cảm giác hào hứng hơn.
Cho trẻ tham gia khóa học cảm xúc
Ngoài việc tự dạy con ở nhà thì bạn nên kết hợp cho bé tham gia vào các khóa học về cảm xúc để giúp bé hoàn thiện tư duy và các kỹ năng cần thiết. Thời điểm từ 3 - 6 tuổi là thời điểm vàng của mỗi đứa trẻ hình thành những giá trị cảm xúc, làm đà cho những bước tiến, những bước đi trong tương lai.