Sau 5 năm triển khai, mô hình xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm đã cho thấy, đây là cách làm hay, đem lại hiệu quả thiết thực.
Trải nghiệm sáng tạo tại Trường MN Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương. Ảnh: TG
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Cần rà soát, đánh giá lại các tiêu chí, tiêu chuẩn để xem sự phù hợp, điều chỉnh, tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, đặc biệt năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Đổi thay tích cực
Theo ông Đỗ Duy Hưng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương: Các phòng GD&ĐT, các cơ sởgiáo dục mầm non(GDMN) trên địa bàn tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chuyên đề, từ đó làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch gọn các điểm trường, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non; tích cực tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng môi trường và phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc,giáo dục trẻtheo quan điểm "Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".
Tại thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh miền núi Yên Bái, chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấytrẻ làm trung tâm" được thực hiện điểm tại 4 trường mầm non, từ đó nhân rộng hiệu quả chuyên đề. Qua thực hiện chuyên đề, các đơn vị trường đã tạo được sự thay đổi lớn về môi trường, tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, đạt được kết quả cao khi tham gia các cuộc thi về chuyên đề như các Trường MN Hoa Hồng, Hoa Phượng, Hoa Huệ, Hoa Sen, Sơn A, Hạnh Sơn. Công tác làm đồ dùng đồ chơi của giáo viên trong các trường mầm non sôi nổi, được quan tâm và đầu tư. Đồ dùng, đồ chơi có hình thức đẹp, chất liệu phong phú, lâu bền, thuận tiện.
Cô Vũ Thị Thu Làn - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) cho rằng: Sau 5 năm triển khai thực hiện, GV đã sáng tạo hơn trong mỗi giờ dạy, phụ huynh ủng hộ và học sinh được trải nghiệm nhiều hơn trong các hoạt động. Chương trình thực sự có ý nghĩa tốt, động viên GV đổi mới sáng tạo, cô nào có ý tưởng sáng tạo đơn giản, không tốn kém sẽ được khen thưởng đánh giá thi đua.
Các đề tài theo chủ đề, khen thưởng theo tháng. Trẻ đã biết khám phá tìm tòi, quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, suy nghĩ, lên ý tưởng phù hợp khả năng bản thân, mạnh dạn, tự tin khám phá, tự mình tham gia thực hành theo ý tưởng và ngày càng hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động, tạo nền tảng tốt khi bước vào lớp 1.
Khi bé học làm nông dân. Ảnh: TG
Huy động các nguồn lực
Trẻ cần được trải nghiệm thực tế nhiều hơn là ý kiến đóng góp nhiều nhất. Tuy nhiên cũng còn có khó khăn khách quan như: Diện tích khuôn viên của một số trường còn chật hẹp, khu vui chơi vận động chưa phong phú, thiếu phòng giáo dục thể chất. Ở một số địa phương có trường còn từ 2 đến 3 khu lẻ nên việc thực hiện chuyên đề chưa thật sự đồng bộ. Thêm nữa, việc thực hiện Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, theo đó, mỗi đơn vị chỉ có 1 trường mầm non công lập, nên sĩ số trẻ/lớp đông, trường có nhiều điểm trường lẻ gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất.
Có thể nói, kết quả thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" là những đánh giá khoa học thực tiễn hết sức khách quan. Đây sẽ là một trong những căn cứ để nhìn nhận thực trạng về cơ sở vật chất, đội ngũ, từ đó các địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung những điều kiện căn bản nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
TS Đặng Lộc Thọ, Ủy viên Tiểu ban GDMN - Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: Quan điểm Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm tức là phải xuất phát từ nhu cầu hứng thú, khả năng và hướng đến sự phát triển của trẻ. Thế nên mục tiêu hoạt động nuôi dạy phải tạo dựng môi trường đáp ứng các yếu tố cần thiết. Đặc biệt trong đó là thay đổi việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục để trẻ mạnh dạn, tự tin, tự mình khám phá, tham gia thực hành theo ý tưởng. Tất nhiên để thực hiện tốt điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan khác là con người và điều kiện trường lớp, cần có sự hỗ trợ của cả Nhà nước và đóng góp xã hội.