Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cho biết: Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia ban hành Bộ chuẩn phát triển (PTTE) trẻ em 5 tuổi. Trong 11 năm qua, Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi là bộ công cụ khẳng định chất lượng đầu ra của giáo dục mầm non, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non.
Theo Báo cáo kết quả sau 10 năm thực hiện Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi, cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đều đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn PTTE 5 tuổi trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em năm tuổi vào lớp 1.
Bộ chuẩn cũng là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi. Cha mẹ trẻ đánh giá cao vai trò của Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi trong sự hỗ trợ chăm sóc, giáo dục con tại gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội của đất nước thì phát triển của trẻ em nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng có những thay đổi đáng kể, từ đó làm cho một số chỉ số trong Bộ chuẩn có thể trở nên không còn phù hợp với khả năng của trẻ.
Đơn cử như số lượng 28 chuẩn và 120 chỉ số hiện tại là quá nhiều để đánh giá trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, một số chỉ số của Bộ chuẩn hiện nay được cho rằng đã trở nên quá dễ hoặc quá khó đối với trẻ 5 tuổi. Điều này đòi hỏi cần phải xem lại tính phù hợp về nội dung, tính xác thực của chỉ số cũng như các vấn đề khác có liên quan đến Bộ chuẩn là điều cần thiết.
Tại buổi toạ đàm, các ý kiến khuyến nghị xem xét điều chỉnh mục đích ban hành Bộ chuẩn là căn cứ để xây dựng chương trình Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và kết quả đầu ra cho cấp học mầm non; nghiên cứu xây dựng số lượng chỉ số đủ phản ánh năng lực và sự phát triển của trẻ 5 tuổi đảm bảo đầy đủ các lĩnh vực phát triển, bổ sung những chỉ số mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay và một số khuyến nghị của Unesco.
Đặc biệt, để việc điều chỉnh nội dung Bộ chuẩn phù hợp với mong muốn của quốc gia về những gì trẻ năm tuổi nên biết và có thể làm, cần tiến hành xác định các giá trị mong đợi của trẻ, có thể bổ sung các chỉ số về khả năng thích ứng, sự sáng tạo, tổ chức thực hiện công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính tự tin và tự trọng; xây dựng yêu cầu cần đạt chuẩn PTTE mang tính hệ thống, liên thông cho tất cả các độ tuổi mầm non và bộ công cụ hướng dẫn đánh giá sự phát triển của trẻ đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2020.