1. Ngồi dây đu
Bạn có thể tự làm dây đu cho trẻ chơi dưới những tán cây mát mẻ. Những thứ bạn cần chỉ là dây thừng to, một ván gỗ đã đục lỗ 2 đầu và một vị trí thích hợp để lắp dây đu. Trẻ nhỏ thực sự thích trò chơi này vì chúng thích cảm giác như có thêm đôi cánh và được bay cao, bay xa.
2. Làm quái vật
Các mẹ có thể tận dụng những bìa cứng to, trang trí chúng thành hình những con quái vật có sừng, răng nanh để chúng chơi đùa cùng bạn. Đặc biệt, bạn nên làm những con quái vật và nhân vật hoạt hình mà bé yêu thích.Trò chơi đơn giản này sẽ giúp bạn trở nên vĩ đại hơn trong mắt con. Và bạn sẽ không bị làm phiền bởi con những lúc đang bận làm việc đâu.
3. Ném vòng
Trò chơi này rất đơn giản nhưng cũng rất thú vị. Trẻ sẽ học cách tập trung nhìn và ngắm chuẩn để tung vòng vào đúng vị trí cần đặt. Bạn cũng đừng quên tặng thưởng cho con sau mỗi lượt chơi để khích lệ con.
4. Chơi bowling
Nếu bạn nhận ra rằng con mình rất thích thú với trò chơi bowling ở các khu trò chơi tại trung tâm thương mại, hãy giúp con thỏa mãn niềm vui này bằng tự chế một sân chơi bowling tại nhà. Các đồ vật bạn dùng để làm trò chơi này rất đơn giản, ví dụ như một quả bóng bia, những hộp thiếc đựng thức ăn không dùng hoặc chai coca cola. Việc trang trí màu sắc cho các dụng cụ trên sẽ khiến chúng trở nên bắt mắt và giúp trẻ chơi bowling hứng thú hơn.
5. Vẽ bảng ngoài trời
Trẻ sẽ có những giờ phút thư giãn ngoài trời thú vị với phấn, bảng và những bức tranh nghệ thuật mà chúng tạo ra. Hãy hỏi con bạn trước xem bé có muốn một tấm bảng vẽ to ngoài trời không và thực hiện ý tưởng trò chơi này sớm nhé các mẹ! Nếu không thể treo bảng, bạn hoàn toàn có thể để con sáng tạo với phấn và tận dụng mặt sân làm bảng vẽ.
6. Truy tìm kho báu
Một bản đồ đơn giản với những chỉ dẫn dễ hiểu sẽ làm bé háo hức tìm kiếm kho báu. Đôi khi chỉ là một chiếc kẹo, món đồ chơi giấu trong nhà hay ngoài sân. Trò chơi này giúp bé luyện khả năng phân tích, quan sát, kích thích giác quan phát triển.
Ảnh: Associations Now
7. Cùng nhau làm vườn
Với điều kiện sống tại thành phố, ít cây cỏ và thực vật xung quanh, còn gì tuyệt hơn dạy con trồng và chăm sóc một khu vuờn nhỏ trong nhà trong mùa hè này? Và sẽ tuyệt hơn nữa khi khu vườn này được hình thành từ những thứ “bỏ đi” trong nhà bếp của bạn.
Bạn chỉ cần một đoạn đầu hành dài khoản 2,5 cm hoặc vài củ hành tím có rễ. Đặt chúng vào một chiếc cốc hoặc lọ nhỏ. Cho nước vào ngập một phần thân hành. Chỉ cần khoảng 5 ngày bạn sẽ có một lọ hành tươi xanh. Cũng có thể thay thế hành tím bằng hành tây, hoặc thay nước bằng đất mùn. Với cách làm này, bạn sẽ có một chậu hành “thạch sanh” cung cấp hành sạch dùng mỗi ngày. Còn trẻ có thể dễ dàng quan sát quá trình phát triển của cây hành.
Những củ khoai tây mọc mầm chẳng thể dùng để chế biến thức ăn nữa rồi. Thế nhưng, bạn có thể tận dụng chúng bằng cách cùng con cho vào các chậu hoặc chén nhỏ. Cho nước vào ngập 2/3 thân củ. Thay nước khi thấy chuyển màu để tránh bị thối. Đặt chậu cây trên bệ cửa sổ hoặc nơi có ánh sáng vừa đủ. Khoai sẽ nhanh chóng ra những chiếc lá xinh đẹp. Đừng quên nhờ “phụ tá tí hon” thay nước giúp bạn nhé.
Để bổ sung vitamin A cho con bạn thường mua cà rốt về và vứt đi không biết bao nhiêu đầu cà rốt? Tất cả những gì bạn cần làm là cho đầu cà rốt vào khay nhựa chứa một ít nước. Đặt khay ở vị trí có ánh sáng nhẹ. Vài ngày sau cà rốt sẽ bắt đầu ra lá xanh tốt. Bật mí là bạn có thể dùng khay đựng trứng thay cho khay nhựa đấy.
Ngoài ra, bạn có thể cho củ đã mọc lá ra đất. Sau 3 tháng, cà rốt sẽ cho củ trở lại. Làm tương tự với củ cải trắng hoặc các loại củ khác. Bạn sẽ có một khu vườn nhỏ đầy màu sắc ngay trong nhà bếp của mình.
Cải thìa mua về sơ chế xong còn lại phần gốc, bạn có thể dùng để trồng tiếp. Chỉ cần cho phần gốc này vào một chậu nhỏ hoặc chén nhỏ. Bên trong cho nước ngập 2/3 gốc. Sau vài ngày, bạn những lá cải thìa non sẽ mọc lên xanh tốt.
Những nhánh ngò rí/rau mùi bạn mua về thường không để được lâu? Hãy cho chúng vào một lọ thủy tinh nhỏ chứa đầy nước. Phần rễ rau sẽ tiếp tục phát triển. Bạn sẽ có một lọ rau be bé xinh xinh để trang trí bàn bếp của mình.
Trò chơi mùa hè cho bé – làm vườn (Ảnh: Pinterest)
II. Nhóm các trò chơi dân gian
Bố mẹ đừng để các trò chơi dân gian mai một. Hãy khuyến khích bé chơi lò cò, kéo co, bịt mắt bắt dê, trồng nụ trồng hoa… hay thả diều. Các trò chơi này vừa vui, dễ chơi lại giúp bé rèn luyện thể chất vừa phải.
Tham khảo các trò chơi dân gian tại đây: http://www.contuhoc.com/tong-hop-cac-tro-choi-dan-gian-dua-be-tro-ve-voi-tuoi-tho-nhu-cha-me
III. Nhóm các trò chơi với nước
Thời tiết mùa hè nóng nực. Vì thế, những trò chơi với nước trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ ngày hè của bé.
Cha mẹ có thể tham khảo 4 trò chơi với nước rất dễ làm, đảm bảo bé sẽ thích mê ở đây: http://www.contuhoc.com/4-tro-choi-voi-nuoc-da-tre-em-nao-cung-me-tit/
Trò chơi mùa hè cho bé – trò chơi với nước (Ảnh: PopSugar via Afamily)
Ngoài ra, còn có một số trò chơi với nước vô cùng “cơ bản” khác mà bạn không thể bỏ qua:
1. Party hồ bơi sôi động
Nếu nhà bạn có hồ bơi thì quá tuyệt. Nếu không, mẹ vẫn có thể mua 1 bể bơi cao su và đổ đầy nước vào cho bé tha hồ vùng vẫy. Có thể mời bạn bè, hàng xóm tới để chung vui trong bữa tiệc nước. Tất nhiên, luôn có người lớn ở bên giám sát để đảm bảo an toàn cho các bé.
2. Bóng nước
Chỉ cần một xô bóng nước đầy ắp, ngay lập tức, trận chiến bóng nước sẽ được diễn ra. Và bạn sẽ thấy lũ trẻ hét vang trời đất và cười không ngừng nghỉ.
3. Rửa xe
Đây có lẽ sẽ là trò chơi mà mẹ yêu thích vì không những có thể vừa làm sạch cho chiếc xe lâu ngày không rửa, lại vừa giúp con vui chơi thật thoải mái. Mẹ có thể thưởng kẹo hoặc dẫn con đi chơi nếu con làm tốt nhé.
Ảnh: Autoevolution.com
4. Chuyển nước
Bạn hãy chuẩn bị hai chiếc xô. Một chiếc xô chứa đầy nước, còn chiếc kia không chứa nước. Sau đó bạn đưa cho bé một miếng bọt biển. Bạn hãy hướng dẫn bé chuyển nước từ xô đầy sang xô không nước mà chỉ dùng miếng bọt biển đó thôi. Nếu có nhiều bé chơi thì hãy cho các bé thi với nhau. Bé nào chuyển nhanh nhất sẽ được quyền chọn kem cho mình. Còn nếu bé chơi một mình thì bạn hãy cho bé chơi nhiều lần để xem kỉ lục của bé là bao nhiêu. Trò chơi này sẽ rất thú vị đấy.
Trò chơi với nước (Ảnh: PopSugar via Afamily)
5. Xây dựng thuỷ cung mini
Trò chơi này cũng hết sức đơn giản khi bạn chỉ cần một hũ thủy tinh nhỏ cùng 1 ít cát và những chú cá nhỏ xinh, một ít vỏ sò đẹp. Việc còn lại, hãy để cho trí tưởng tượng của bé yêu làm việc và trở thành “trợ tá” đắc lực của bé để xây nên chiếc bồn cá / thuỷ cung mini thật đẹp và độc đáo, bạn nhé.