Sinh con ra không chỉ chăm cho con ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc mà còn cần dạy cho bé rất nhiều kiến thức để chuẩn bị cho bé bước vào cuộc sống. Bên cạnh những điều đó, trang bị cho con những kỹ năng mềm cũng là điều quan trọng giúp bé tự tin và trở thành những em bé được mọi người yêu quý.
Dạy trẻ sử dụng những từ ngữ lễ phép
Những nguyên tắc cơ bản đầu tiên là bé biết chào hỏi mọi người, biết dạ vâng và thêm từ ạ khi nói chuyện với ai đó lớn tuổi hơn. Ngoài việc hướng dẫn bé trường hợp cụ thể cần áp dụng, thì cha mẹ cũng cần làm gương cho con khi giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.
Biết nói “cảm ơn” và “xin lỗi” khi cần thiết
Điều này thế hiện trẻ là người lịch sự và tôn trọng người khác. Bạn hãy cảm ơn khi con mang giúp bạn cốc nước, hay làm các công việc nhà cho bạn. Và đừng ngại ngần nói xin lỗi con khi bạn nóng giận, quát mắng hay làm gì đó chưa đúng.
Dạy con không được cắt ngang lời khi mọi người đang trò chuyện
Cần giải thích với trẻ để bé hiểu bé cần chờ đến lượt được nói, và nếu có gì gấp hoặc cần hỏi ngay thì phải xin phép được cắt ngang. Hãy dạy con sử dụng các mẫu câu đơn giản như: “Mẹ ơi, con có ý kiến”, hoặc “Cho con cắt ngang một chút được không?”…để can thiệp vào cuộc trò chuyện của ai đó. Chen ngang là một thói quen xấu, và bạn phải nghiêm khắc nếu bé tiếp tục phạm phải khi đã nhắc nhiều lần.
Không được sử dụng những từ ngữ xấu
Khi bé bắt đầu đi mẫu giáo, bé được tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài thì việc bé nghe được những từ lóng, những câu chửi bậy là điều khó tránh khỏi. Bạn cũng không thể giám sát bé cả ngày để ngăn bé không nghe được những từ ngữ tiêu cực. Thế nhưng bạn nhất định phải dạy bé không sử dụng chúng và lý do tại sao những từ ngữ đó không nên dùng. Trẻ học cái xấu rất nhanh, nhưng sẽ nói mà không thực sự hiểu ý nghĩa của từ đó. Hãy trò chuyện với con và đừng mặc kệ bé thích nói gì thì nói.
Sử dụng đồ của người khác mà không xin phép là cực kỳ tồi tệ
Rất nhiều trẻ nhỏ có thói quen tự tiện vào nhà người khác lục lọi tủ và đồ đạc, hoặc thích đồ chơi của bạn là thoải mái mang về nhà mình. Đừng để con trở thành những đứa trẻ trong danh sách cần cảnh giác của hàng xóm, và không được chào đón khi sang chơi. Bé cần biết ranh giới được phép và học cách tôn trọng đồ đạc của người khác.
Dạy con biết giúp đỡ mọi người
Nếu bạn không muốn con trở thành người thờ ơ khi nhìn thấy những người bị ngã xe ngoài đường, bỏ mặc không nhặt giúp khi thấy đồ bị rơi…thì ngay từ bé hãy dạy con giúp đỡ mọi người là một niềm vui. Khuyến khích con giúp bà nhặt rau, giúp ông nhổ tóc sâu, và cho con tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người nghèo, khó khăn xung quanh bé.
Dạy con về sự kiên nhẫn và biết chờ đợi
Dạy con xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị, kiên nhẫn chờ đến lượt sử dụng cầu trượt, xích đu…và tuyệt đối không chen lấn, xô đẩy. Giải thích cho con những người vượt đèn đỏ, không chờ đợi được đến đèn xanh là xấu, là ảnh hưởng đến người khác và trong mọi trường hợp đừng tỏ ra nóng vội quá mức.
Che miệng khi ho hay ngáp
Thật bất lịch sự khi trong bữa ăn mà trẻ ho thẳng vào bát canh. Bạn có thể chấp nhận vì đó là con bạn nhưng nếu bé tiếp tục mang cách xử sự đó ra ngoài xã hội thì chắc chắn sẽ gây ra ác cảm cho mọi người. Nó khiến bữa ăn trở nên mất ngon và ánh mắt nhìn trẻ cũng nhuốm sự khó chịu.
Xin phép đi qua nếu được chắn đường
Xô đẩy để vượt qua nơi có đông người thật sự không phải cách cư xử văn minh. Ngay khi còn bé hãy dạy con cách nói xin lỗi nhường đường để có thể đi qua. Những hành động nhỏ như vậy nhưng lại rất quan trọng và thể hiện bé được giáo dục tốt.
Dạy trẻ lịch sự trên bàn ăn
Cách sử dụng các vật dụng như thìa đũa khăn ăn khi ngồi vào dùng bữa là những kỹ năng mềm cơ bản bạn cần trang bị cho bé. Đừng để trẻ ngồi vào mâm cơm và gõ đũa leng keng vào bát, hay chọc và trộn lẫn mọi thứ vào nhau.
Không gây ồn và chạy nhảy ở nơi đông người
Cần dạy bé biết cách tôn trọng mọi người ở nơi công cộng. Bé la hét, hay chạy nhảy có thể làm phiền đến những người xung quanh vì thế hãy dạy con cách nói thì thầm, hay giảm âm lượng của giọng nói khi đang ở bến tàu, trên xe buýt hay trong nhà hàng.