Bữa ăn lành mạnh/cân bằng (MyPlate) để giúp cha mẹ chọn thực phẩm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên dựa trên những bằng chứng khoa học mới nhất về chế độ ăn và sức khỏe của trẻ.
Trái cây: Trái cây nguyên miếng hoặc nước trái cây 100%. Trái cây có thể tươi, đóng hộp, đông lạnh, hoặc sấy khô, và có thể là để nguyên hoặc cắt nhỏ, xay nhuyễn.
Rau củ: Càng đa dạng về màu sắc (xanh, xanh đậm, đỏ và cam) và chủng loại càng tốt. Theo “Đĩa ăn lành mạnh” My Plate, rau củ và trái cây nên chiếm 50% lượng khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ để cung cấp cho bé đầy đủ các vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết cho sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Các mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại rau củ và trái cây, ít nhất là từ 2 loại rau củ mỗi màu cho bé, tỷ lệ phần rau nên chiếm nhiều hơn phần trái. Mặc dù có thể sử dụng rau củ quả tươi, đông lạnh, hoặc sấy khô nhưng các mẹ phải nhớ nguyên tắc là cho bé ăn cả phần xác thay vì chỉ ép lấy nước. Trong nước ép hầu như chỉ còn đường là chủ yếu, các chất dinh dưỡng khác chủ yếu nằm ở phần xác.
Các loại hạt: Bao gồm tất cả thực phẩm được chế biến từ lúa nước, lúa mì, lúa mạch, yến mạch, bột ngô, hoặc các loại ngũ cốc khác. Trẻ mẫu giáo và mầm non nên được bổ sung ngũ cốc nguyên cám vào khẩu phần ăn của bé vì phần vỏ lụa, cám và mầm trong ngũ cốc nguyên cám giàu vitamin nhóm B, chất hóa thực vật, vitamin E và một số chất béo thiết yếu…
Chất đạm: Đây là thành phần dinh dưỡng quan trọng, là nhóm chất cung cấp nguyên liệu giúp cơ thể bé xây dựng, duy trì và sửa chữa các mô của cơ thể, tham gia vào thành phần cơ bắp, máu, kháng thể và các tuyến bài tiết, nội tiết… Đây là loại chất dinh dưỡng cung cấp 10 – 15% năng lượng cho cơ thể mà không một loại chất dinh dưỡng nào có thể thay thế được. Chất đạm chia ra thành 2 loại: đạm động vật (gồm các loại thịt, cá, hải sản, trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, sữa chua) và đạm thực vật (các loại đậu như đậu đỏ, đậu đen, đậu xanh, đậu trắng và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, đậu tương lên men; các loại hạt và quả hạch như hạt chia, mè, hạnh nhân, óc chó, …). Trong đó đạm thực vật được coi là nguồn cung cấp protein lành mạnh cho trẻ vì nó không chứa chất béo xấu.
Dầu ăn: Đây không phải là một nhóm thực phẩm chính, nhưng dầu ăn cung cấp chất béo cần thiết cho sự phát triển thể chất, trí não của trẻ và tăng cường hấp thu vitamin A, D, E, K, do đó được khuyến cáo đưa vào trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ.
Bên cạnh đó, USDA và HHS đưa ra lời khuyên về dinh dưỡng và vận động của trẻ như sau:
- Cố gắng kiểm soát thời gian và không gian ăn uống của trẻ. Mỗi bữa ăn chỉ kéo dài 30 phút. Nên cho trẻ ăn cùng gia đình để có sự tương tác và bắt chước hành vi ăn uống lành mạnh.
- Cho trẻ tham gia vào việc lựa chọn và chuẩn bị thức ăn. Dạy cho trẻ cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
- Chọn thực phẩm có các chất dinh dưỡng này khi có thể: canxi, magie, kali và chất xơ.
- Khuyến khích trẻ tập thể dục và hoạt động thể chất hàng ngày.
- Khuyến khích trẻ uống nước thường xuyên trong khi hoạt động thể chất, đặc biệt cần uống nhiều nước hoặc nước trái cây, sữa… sau khi đã hoàn tất hoạt động thể chất.