Khi trẻ ăn uống cũng là thời gian cha mẹ có thể dạy con nhiều điều bổ ích. Bên cạnh đó, cũng có những việc tuyệt đối không nên làm trong khoảng thời gian này.
* Tuyệt đối không trách mắng trẻ khi ăn uống
Các bậc phụ huynh thường có thói quen là tranh thủ thời gian cả nhà đang ăn cơm để la rầy trẻ, đây là thói quen không tốt và có thể kéo theo những hệ lụy nguy hại đối với tâm sinh lý và sức khỏe của trẻ. Nếu cha mẹ muốn dạy dỗ trẻ, hãy đợi trẻ ăn uống xong rồi bình tĩnh nói chuyện, nên hướng dẫn và đưa ra những lời khuyên hợp lý cho trẻ, bố mẹ không nên trách mắng trẻ ngay trong bữa ăn hoặc sau bữa ăn.
Bố mẹ la rầy trẻ bên mâm cơm sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào?
1. Trẻ sẽ mất cảm giác ngon miệng
Cảm giác thèm ăn của trẻ thường bị tác động bởi cảm xúc, khi trẻ vui vẻ đương nhiên trẻ sẽ ăn nhiều hơn, nếu tâm trạng của trẻ không được vui thì chắc chắn khẩu vị ăn uống của trẻ sẽ mất ngon. Khi các bố mẹ dạy dỗ con cái bên mâm cơm sẽ khiến tâm trạng của trẻ không thoải mái, ảnh hưởng đến khẩu vị ăn uống, khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi khi ăn.
2. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ
Khi bố mẹ la rầy trẻ, trẻ sẽ có xu hướng trốn thoát áp lực mà bố mẹ đã tạo ra, trẻ ăn vài miếng qua loa hoặc bỏ bữa để thể hiện thái độ bất mãn đối với bố mẹ. Quá trình "ăn chậm nhai kĩ" của trẻ bị ngắt quãng nên sẽ khiến hệ tiêu hóa không vận hành trơn tru, thậm chí khi trẻ vừa ăn vừa khóc nghẹn sẽ dẫn đến tình huống nguy hiểm là hóc thức ăn.
* Bố mẹ nên dạy trẻ điều gì khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm?
1. Trách nhiệm với gia đình
Khi ăn cơm, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ di chuyển đĩa thức ăn hoặc chuyền cho nhau chén, đĩa, muỗng. Sau khi ăn xong, bố mẹ nên dạy trẻ thu dọn và rửa chén bát, đây là những việc trẻ nên làm và có thể làm được, giúp trẻ bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm đối với gia đình và khả năng tự lập.
Những quy tắc bố mẹ nên dạy con là: chủ động đưa chén bát đến tay người lớn tuổi, không bới,
đảo thức ăn trên đĩa ... (Ảnh minh họa)
2. Phép tắc ăn uống
Bố mẹ cần dạy dỗ phép tắc ăn uống cho trẻ, bởi điều này rất quan trọng và sẽ tác động đến khả năng giao tiếp cũng như những mối quan hệ sau này của trẻ. Những quy tắc bố mẹ nên dạy con là: chủ động đưa chén bát đến tay người lớn tuổi, không bới, đảo thức ăn trên đĩa...
3. Không ép buộc trẻ ăn quá no
Trẻ 3, 4 tuổi đã có thể ăn cơm, giai đoạn này bố mẹ không nên can thiệp quá nhiều vào chuyện ăn uống của con. Trẻ muốn ăn gì, ăn nhiều hay ăn ít đều nên do trẻ tự mình quyết định. Bắt ép trẻ ăn nhiều hoặc ăn những món không thích sẽ phản tác dụng, đó là khiến con trở nên biếng ăn hơn.