Mỗi người sinh ra và lớn lên đều có một gia đình và đồng thời chịu ảnh hưởng của ba môi trường giáo dục chính là: Gia đình, nhà trường và xã hội. Có thể xem ba môi trường ấy là cái nôi nuôi dưỡng, tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ em, trong đó gia đình là cơ sở, là nền tảng quan trọng có tính chất quyết định nhân cách của các em trong quá trình trưởng thành. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của gia đình càng trở lên vô cùng cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỗi gia đình và các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt quan tâm để giáo dục các em trong độ tuổi vị thành niên - một giai đoạn các em đang khủng hoảng tâm lý, thích những điều mới lạ, dễ lạc vào những cám dỗ, cạm bẫy đang rình rập làm ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của các em. Trên cơ sở đó, chúng ta cần nhận ra vai trò của gia đình và biện pháp giáo dục của gia đình đối với các em để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc hình thành nhân cách. Vì vậy vai trò giáo dục của gia đình là vô cùng quan trọng.
1. Khái niệm về gia đình, vai trò của gia đình đối với sự phát triển nhân cách của trẻ em
Trước hết, muốn giáo dục các em được tốt, chúng ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc khái niệm về gia đình: Gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa – xã hội đặc thù được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng giáo dục giữa các thành viên.
Từ việc tiếp cận khái niệm trên ta nhận thấy vai trò của gia đình đối với việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em là vô cùng quan trọng.
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của mỗi con người.
Mỗi con người khi sinh ra thông thường đều có một gia đình, được sinh ra từ người cha, người mẹ…vì thế, ánh mắt đầu tiên là cái nhìn về cha mẹ, âm thanh đầu tiên tiếp nhận là âm thanh từ cha mẹ, ông bà, anh chị.. là âm thanh của gia đình. Sự chăm sóc của gia đình giúp các em lớn dần lên, tập đi những bước đầu tiên, học câu nói đầu tiên, qua lời ru của mẹ, của bà... cùng với sự chỉ bảo của gia đình các em được tiếp xúc và thẩm thấu truyền thống văn hóa gia đình và nền văn hóa xã hội. Gia đình là nhân tố đầu tiên chỉ bảo, dạy dỗ cho các em hành vi ứng xử theo chuẩn mực và các giá trị tốt đẹp của xã hội : “Học ăn, học nói, học gói, học mở .. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.. Trên kính duới nhường.. ” Chính vì vậy hành vi đầu đời của các em có dấu ấn sâu sắc của gia đình. Trẻ em có hành vi tốt hay xấu trước hết và chủ yếu là do môi trường giáo dục của gia đình tạo nên.
Gia đình chuẩn bị hành trang cho các em bước vào cuộc sống
Trong vòng tay của cha mẹ và gia đình, các em được nuôi dưỡng bằng những giá trị vật chất và tinh thần. Theo năm tháng, các em dần lớn lên hoàn thiện về nhân cách. Trên những bước đường trưởng thành những ký ức của tuổi thơ luôn đọng lại theo chân các em trên mỗi hành trình mà ở đó có thể là ký ức buồn khổ hoặc ký ức êm đềm ngọt ngào trong vòng tay yêu thương của gia đình… tất cả đều trở thành hành trang, động lực giúp các em vươn lên, quyết tâm hơn trên mỗi bước đi của cuộc đời mình.
Gia đình là nhịp cầu nối với nhà trường
Gia đình là cái nôi giáo dục đầu tiên, giai đoạn sau các em tiếp tục được sự giáo dục của nhà trường. Đó là môi trường rộng lớn hơn, bạn bè nhiều hơn, kiến thức được mở mang, thể chất ngày càng phát triển, theo đó nhận thức và nhân cách được phát triển rất mạnh ở thời kỳ này. Để định hướng, uốn nắn và điều chỉnh về nhân cách của các em gia đình phải luôn liên hệ với nhà trường, với Thầy cô giáo, để nắm bắt những ưu điểm và hạn chế của các em để tác động giúp các biết khắc phục mặt yếu, phát huy mặt mạnh. Sự hợp tác này sẽ đạt hiệu quả rất cao vì nhà trường chính là môi trường thuận lợi nhất, tốt nhất để các em học tập và rèn luyện.
Gia đình cần thiết lập mối quan hệ mật thiết với xã hội
Gia đình là tế bào của xã hội, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Đây là mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Xã hội tốt sẽ là cơ sở để xây dựng gia đình hạnh phúc tiến bộ. Mặt khác, gia đình là nơi truyền thụ các giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại từ thế hệ này đến thế hệ khác, vì vậy chỉ có thông qua gia đình mới là con đường nhanh nhất, chắc chắn nhất để giáo dục các em theo những chuẩn mực tốt đẹp của xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang hội nhập và phát triển, do ảnh hưởng từ phương Tây nên các hệ giá trị đang có những thay đổi nhất định, mặt trái của nền kinh tế thị trường tạo nên nhiều tiêu cực, cám dỗ đã ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của các em. Điều ấy đòi hỏi gia đình cần có định hướng và các biện pháp đúng đắn để khẳng định vai trò vị trí, tác dụng quan trọng không gì thay thế được trong việc giáo dục nhân cách cho các em.
2. Một số biện pháp giáo dục của gia đình đối với sự phát triển nhân cách của trẻ em hện nay
Khi đất nước hội nhập, phát triển, sự du nhập của lối sống văn hóa Phương tây, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của các gia đình gây ra nhiều hệ lụy bởi những hiện tượng xã hội liên quan đến trẻ em như ma túy , bạo lực, quan hệ tình dục, trò chơi điện tử, bỏ nhà đi lang thang… đã gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát và giáo dục nhân cách của các em trong hoàn cảnh hiện nay. Để phát huy vai trò giáo dục của gia đình với sự phát triển hoàn thiện về đạo đức và nhân cách của các em, gia gđình cần có những điều kiện và biện pháp giáo dục phù hợp mới đạt được hiệu quả.
Điều kiện cần thiết của gia đình
Trước hết cha mẹ phải là tấm gương cho con
Tấm gương của cha mẹ để con noi theo đầu tiên là cách cư xử với nhau, cư xử với cha mẹ, ông bà, với những người xung quanh và thái độ trách nhiệm với xã hội. Cha mẹ là tấm gương đầu đời gần gũi với con. Nếu trẻ em học cách cư xử thiếu văn hóa, thiếu đạo đức từ cha mẹ, từ gia đình thì khi lớn lên chúng cũng cư xử giống như cha mẹ. Khi cha mẹ là tấm gương tốt, mẫu mực sẽ tạo điều kiện quan trọng để con cái trở thành những người có nhân cách tốt.
Gia đình được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau
Sự bình đẳng được thể hiện khi mọi thành viên trong gia đình đều có quyền nói lên tiếng nói của mình, mọi ý kiến, nguyện vọng tâm tư cần được chia sẻ được đáp ứng nếu chính đáng.
Mọi thành viên trong gia đình phải thật sự tôn trọng nhau, không phân biệt giới. Các em trai và gái đều có quyền lợi nghĩa vụ như nhau, được thụ hưởng mọi giá trị như nhau trong học tập, sinh hoạt và trong cuộc sống.
Cha mẹ (Vợ chồng) phải được tôn trọng như nhau, lắng nghe và chia sẻ với nhau tất cả những vấn đề của cuộc sống như: Trách nhiệm và nghĩa vụ, các công việc của gia đình, sự thụ hưởng về vật chất và tinh thần… Tất cả những yếu tố trên là điều kiện quan trọng của gia đình với vai trò là môi trường giáo dục nhân cách cho trẻ em.
Cha mẹ cần có kiến thức và hiểu biết nhất định
Kiến thức của cha mẹ có thể được tích lũy từ sự trải nghiệm, kinh nghiệm sống trong xã hội, cũng có thể qua học tập nghiên cứu từ sách vở nhưng cũng cần phải lựa chọn những kiến thức phù hợp với hoàn cảnh gia đình và tâm – sinh lý của từng lứa tuổi và giới tính của các em. Hiện nay, sự phát triển của thông tin, của mạng xã hội nên các em tiếp thu rất nhanh cả những điều hay và nhiều điều xấu có hại, vì vậy cha mẹ cần cập nhất thông tin, nắm bắt được nhu cầu, tâm sự, thị hiếu của trẻ để có phương pháp tác động phù hợp đạt hiệu quả. Cha mẹ cũng cần học hỏi, hiểu biết kiến thức về thiên nhiên, xã hội để chia sẻ định hướng sự phát triển nhân cách của các em, nhưng cũng cần tránh sự bất đồng về nội dung phương pháp trong gia đình gây sự hoang mang thiếu niềm tin ở các em.
3. Một số biện pháp giáo dục nhân cách cho trẻ em trong gia đình
Giáo dục các em thông qua truyền thống gia đình
Giáo dục truyền thống gia đình tạo cho các em niềm tự hào về gia đình và dòng họ: gia đình có nhiều người thành đạt, trong gia đình có nề nếp, gia phong, gia đạo và cách sống đẹp. Chính truyền thống gia đình và dòng họ sẽ là tấm gương cho các em học theo, rèn luyện và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Biện pháp này có tác dụng cao vì uy tín của gia đình, dòng họ là nơi mà các em được sinh ra và lớn lên.
Giáo dục bằng nêu gương
Đó là biện pháp giáo dục bằng cách thông qua những tấm gương sáng trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh em …, trẻ em lớn lên và được tiếp nhận cách sống, ứng xử của những người xung quanh, trẻ em sẽ bắt chước học theo từ đó hình thành nhân cách tốt qua trải nghiệm thực tế. Phong trào: “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” cũng là nhằm nêu gương tốt để giáo dục trẻ em. Cách giáo dục này mang lại cho trẻ em cách sống, làm việc theo gương tốt của gia đình và chuẩn mực của xã hội
Biết tổ chức các hoạt động hợp lý trong gia đình
Các loại hình hoạt động ở gia đình rất đa dạng và phong phú, đó là các buổi sinh hoạt gia đình, hoạt động lao động, học tập, hoạt động vui chơi giải trí, du lịch, giao lưu, thăm hỏi họ hàng… Qua các hoạt động này giúp trẻ em gắn bó với gia đình, tạo ra hứng thú trong cuộc sống, biết chia sẻ, tâm sự, cũng từ đó hình thành các năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, xử lý các tình huống phù hợp với gia đình, xã hội trong thời kỳ mới. Qua đó giúp các em phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế của bản thân để hòa nhập tốt với xã hội .
Từ xưa đến nay, nhất là giai đoạn hiện nay – khi xã hội phát triển và hội nhập thì vai trò giáo dục của gia đình trong việc hình thành nhân cách của trẻ em càng trở lên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bác Hồ từng dạy: Mười năm là chuyện trồng cây
Trăm năm là chuyện khéo tay trồng người
Để giúp trẻ em trưởng thành, có nhân cách tốt, trở thành công dân có ích cho xã hội, yêu tổ quốc, yêu đồng bào.. là một việc khó khăn không phải một sớm một chiều, cần có thời gian và phải được gia đình cần quan tâm đặc biệt. Vì sự trưởng thành của các em mỗi gia đình cần có định hướng rõ rệt, cụ thể, một phương pháp giáo dục khoa học và điều thiết yếu cần phải kết hợp hài hòa ba môi trường: Gia đình – nhà trường và xã hội mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn .