PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh - phó trưởng khoa nhi thần kinh tự kỷ, Bệnh viện Trung ương Huế (phải) - trong hội thảo “Vì con đặc biệt - Hiểu về tự kỷ để yêu con đúng cách” - Ảnh: BTC
Đó là chia sẻ của PGS.TS Tôn Nữ Vân Anh - phó trưởng khoa nhi thần kinh tự kỷ, Bệnh viện Trung ương Huế - trong hội thảo "Vì con đặc biệt - Hiểu về tự kỷ để yêu con đúng cách" tổ chức tại Hà Nội sáng 9-4, hưởng ứng Tháng thế giới nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ.
Tự kỷ không phải do cha mẹ thiếu quan tâm!
Chia sẻ tại hội thảo, chị N.T.H. (Hà Nội) cho biết mình có con mắc chứng tự kỷ, và chị đã đồng hành can thiệp điều trị cùng con suốt 3 năm qua.
Chị H. kể lại: "Từ khi sinh ra, bé đã rất quấy khóc, khóc rất nhiều, khó vào giấc ngủ và khó ngủ sâu. Gia đình chỉ nghĩ do bé quấy chứ không nghĩ con mắc bệnh. Thế nhưng, khi được 18 tháng tuổi, bé không dùng mắt để giao tiếp, không nói được từ đơn, sẽ cắn người khác khi không giành được đồ chơi. Lúc này tôi mới bắt đầu lo lắng".
Chị H. đã đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương và bé được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi chứng tự kỷ.
"Lúc đó tôi rất lo lắng. Tôi tưởng rằng chỉ những trẻ không được sự quan tâm của cha mẹ, xem điện thoại, tivi nhiều mới dẫn đến tự kỷ. Nhưng tôi luôn quan tâm chăm sóc con mà!", chị H. nói.
Theo bác sĩ Vân Anh, nhiều cha mẹ vẫn lầm tưởng con mình mắc tự kỷ là do không nhận được sự quan tâm của người thân. Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào ghi nhận trẻ mắc chứng tự kỷ là do nguyên nhân này.
"Có nhiều bằng chứng và nghiên cứu trên thế giới cho thấy nguyên nhân gây tự kỷ là do di truyền. Nếu những gene này bị đột biến làm tăng nguy cơ rối loạn tự kỷ ở một người. Đột biến gene này có thể di truyền từ trẻ đến thế hệ con cái của trẻ", bác sĩ Vân Anh thông tin.
Dấu hiệu nhận biết và "thời gian vàng" can thiệp chứng tự kỷ
Hơn 3 năm đồng hành cùng con ở trung tâm can thiệp dành cho trẻ tự kỷ, đến nay con chị H. đã có thể giao tiếp, nói đơn giản những từ đơn. "Dù không giao tiếp hoạt bát như các trẻ cùng tuổi, nhưng đó là một hành trình thành công đối với tôi", chị H. bày tỏ.
Theo bác sĩ Vân Anh, theo thống kê tại Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Các triệu chứng và biểu hiện khác nhau của tự kỷ là một "phổ" rộng. Một số người tự kỷ biểu hiện các triệu chứng nhẹ, có những người tự kỷ có triệu chứng nghiêm trọng hơn.
"Trẻ mắc chứng tự kỷ thường có biểu hiện khá sớm, thường gặp khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp thông thường và hành động khác biệt. Ví dụ: Trẻ từ 3-6 tháng đã bắt đầu phát triển ngôn ngữ, giao tiếp bằng ánh mắt. Cha mẹ có thể nhận thấy khác biệt ở trẻ ngay ở giai đoạn này, đó là trẻ không giao tiếp bằng mắt. Khi chơi đùa, nói chuyện với trẻ, trẻ thường không nhìn vào người đối diện.
Bên cạnh đó, trẻ thường có những hành vi rập khuôn. Giống như trẻ thích làm một việc, chơi một loại đồ chơi và chỉ làm đi làm lại một hành vi đó. Hoặc trẻ thường làm một hành động liên tục như nắm tay, đi nhón chân…", bác sĩ Vân Anh chia sẻ.
Theo bác sĩ Vân Anh, khi chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ, trẻ thường bị nhầm lẫn với những chứng trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ rối loạn giao tiếp, bị suy giảm thính lực, động kinh mất ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, rối loạn ngôn ngữ.
"Mặc dù kiểu gene chi phối đến 80% nguy cơ tự kỷ của trẻ, phương pháp can thiệp trong lối sống và trị liệu tâm lý mới là cốt lõi giúp trẻ có thể nói, đi lại, tương tác với trẻ khác cũng như hòa nhập lại với cộng đồng. Thời điểm tốt nhất để can thiệp điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ là dưới 5 tuổi. Trẻ trên 5 tuổi sẽ khó khăn hơn khi can thiệp", bác sĩ Vân Anh thông tin.