1-6 tuổi: Giai đoạn “vàng” trong sự phát triển toàn diện của trẻ
Một chiếc cây trưởng thành phát triển xanh tốt, bên cạnh việc chăm bón hằng ngày, quan trọng nhất là giai đoạn vun trồng ban đầu. Trẻ con cũng như thế, giai đoạn những năm đầu đời luôn đóng vai trò hết sức thiết yếu và then chốt. Cùng với sự phát triển theo độ tuổi, bé con còn có những cột mốc phát triển về thể chất, trí não, kỹ năng…
Năm 1 tuổi, mẹ có thể bất ngờ khi thấy đôi bàn tay vụng về của con múc những muỗng cháo đầu tiên.
Năm 2 tuổi, mẹ sẽ thấy bé có thể bước đi lẫm chẫm trên đôi chân nhỏ xíu của mình và ê a những cụm từ đơn giản.
Năm 3 tuổi, lần đầu tiên mẹ bắt gặp có những lúc con vui, con buồn khi gặp một sự việc trong cuộc sống – đó cũng chính là lúc con đang dần dà phát triển kỹ năng cảm xúc và xã hội…
Năm 4 tuổi, niềm hạnh phúc của mẹ khi là khán giả đầu tiên của con hay những lúc cùng con đóng kịch, nhảy múa và ca hát.
Năm 5-6 tuổi, bé con bắt đầu đến trường và tiếp tục phát triển giao tiếp với bạn bè, thầy cô và môi trường xung quanh. Đây cũng là khi bé con đang dần thay đổi bản thân và học cách tiếp thu kiến thức, học cách quan hệ và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Những năm tháng đầu đời này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bé. Bé con được mẹ chăm sóc và dạy dỗ đúng cách sẽ phát triển toàn diện, vươn mình khỏe khoắn như chiếc cây trưởng thành.
Hãy cùng con lớn khôn khỏe mạnh mỗi ngày
Mẹ biết không, ngay từ năm 2-3 tuổi, bé con đã có khả năng suy luận, diễn đạt bằng ngôn ngữ và bắt đầu học hỏi, tiếp thu kiến thức từ môi trường xung quanh? Chính vì thế, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng để ba mẹ chuẩn bị những nền tảng tốt nhất nhằm phát triển tối đa trí tuệ và cảm xúc (IQ và EQ).
Trong giai đoạn đầu đời này, yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò nền tảng quan trọng nhất. Theo BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi Đồng 2)* chia sẻ:“Chỉ có nguồn dinh dưỡng phù hợp mới có thể giúp não bộ của con phát triển tốt và bé có đủ sức khỏe, sức đề kháng để khám phá, học hỏi mọi thứ xung quanh. Bữa ăn của bé phải đa dạng, đầy đủ các nhóm dưỡng chất: đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ và vitamin. Ba mẹ cần chú ý sử dụng nguồn dinh dưỡng có bổ sung lợi khuẩn Probifidus BL giúp tăng cường hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa cho con”.
Theo BS CKI Thái Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý (Bệnh viện Nhi Đồng I)*, để kích thích sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện khả năng phối hợp giữa não bộ, khả năng điều khiển cầm nắm, ba mẹ có thể cùng chơi với bé một số trò chơi như xếp hình Lego hay có thể kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích, đóng kịch… để con có thể phát huy trí tưởng tượng phong phú của mình.
Cảm xúc của bé trong giai đoạn này cũng là một yếu tố quan trọng. Cũng theo BS Thanh Thủy, 2-3 tuổi cũng là giai đoạn mà bé vô cùng bướng bỉnh vì con đang trong giai đoạn phát triển khả năng độc lập, thích tự mình làm mọi việc. Vì thế, có những lúc, bé sẽ bày tỏ những cảm xúc tiêu cực như tức giận chẳng hạn. Lúc này, ba mẹ đừng quát mắng mà nên dùng thái độ điềm tĩnh lắng nghe, tạo điều kiện cho bé nói ra những cảm xúc khi bé tức giận về điều gì đó. Ba mẹ hãy dạy bé cách chia sẻ cảm xúc một cách đúng đắn và hiểu cảm xúc của người khác. Điều này sẽ giúp con có những nhận thức cảm xúc đúng đắn, biết quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh.
Chăm sóc dinh dưỡng bé con đúng cách và cùng con học những bài học đầu tiên cuộc đời sẽ giúp bé con có nền tảng phát triển vững chắc cho tương lai sau này.