Nhiều người nghĩ, trẻ nhỏ thường chưa biết gì. Tuy nhiên, thực tế trẻ em rất nhạy cảm với những cảm xúc và hành vi của ba mẹ. Có những thói quen vô tình hoặc cố ý của ba mẹ có thể khiến trẻ tổn thương và tất nhiên điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm lý, nhân cách của con. Cùng điểm qua một số điều mà con sợ từ ba mẹ của mình dưới đây nhé.
Cãi nhau
Mâu thuẫn là chuyện khó tránh khỏi trong các gia đình, và đôi khi tranh luận, phản biện là cần thiết để dung hòa và hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít gia đình mỗi khi có mâu thuẫn thì cãi nhau lớn tiếng, nói lời gây tổn thương, thô tục dù ở đó có con trẻ. Điều này làm trẻ rất sợ. Và trẻ càng sợ hơn nếu bị ba mẹ vô tình kéo con vào cuộc tranh cãi, hay ép con phải chọn một trong hai phe: “Con đứng về phía mẹ hay ba?”.
Nếu xảy ra thường xuyên, con dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo sợ, áp lực tâm lý, tự trách mình, mất niềm tin vào ba mẹ; và có những nhìn nhận sai lệch về hạnh phúc gia đình: không nên kết hôn vì hôn nhân toàn là cãi vã, đau khổ, hoặc cãi nhau, làm tổn thương nhau là cách giải quyết vấn đề...
Khi tranh cãi, dù xuất phát từ bất kỳ lý do gì, tốt nhất không nên để con trẻ tham gia vào. Hãy tìm một nơi riêng tư, kín đáo để tiện thảo luận. Nếu không thể riêng tư hãy giữ bình tĩnh và sáng suốt nhất có thể để không nói những lời thiếu văn minh trước mặt trẻ.
Nổi giận vô cớ
Thi thoảng, khi gặp những chuyện không vui ngoài xã hội, nhiều ba mẹ có biểu hiện “giận cá chém thớt” lên con mặc dù trẻ không làm gì sai. Hành vi này có thể dẫn tới việc trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm, luôn sợ sệt và nghĩ rằng mình không được ba mẹ yêu thương, tôn trọng. Những trẻ cá tính dễ có xu hướng bốc đồng, hung hăng hơn.
Bạn nên học cách tự điều chỉnh và làm chủ cảm xúc của bản thân để không trút giận lên con trẻ vô tội. Nếu đã lỡ trách nhầm con, nên xin lỗi, giải thích và nói lời yêu thương để bù đắp phần nào lỗi lầm đã gây ra cho con, giúp con hiểu được ba mẹ yêu con nhường nào.
Chỉ trích con ở nơi đông người
Con trẻ thường rất hào hứng và phấn khích khi được ba mẹ dẫn tới nơi đông đúc, do đó thường có những hành vi như: la hét, chạy lung tung khắp nơi,... khiến ba mẹ khó xử. Theo phản xạ tự nhiên, có không ít ba mẹ chỉ trích, la mắng con. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, sợ sệt và rụt rè hơn, thậm chí hành động ngang bướng hơn nữa.
Bạn không nên chỉ trích con trước mặt người khác, chỉ nên góp ý nhỏ nhẹ với trẻ, ví dụ như: “Nhỏ nhẹ và giữ trật tự một chút nhé con yêu, con là em bé biết hợp tác đúng không nào?/con là bạn nhỏ lịch sự và hiểu chuyện”
Thiên vị
Ba mẹ nào cũng yêu thương con cái. Tuy nhiên, có những lúc, vô tình hay cố ý, ba mẹ không tránh khỏi “bên nặng bên nhẹ”, đối xử thiên vị giữa các con trong gia đình. Làm như vậy, trẻ thiệt thòi hơn sẽ cảm thấy ba mẹ không thương yêu mình và trở nên ghen tị với anh chị em khác. Ngược lại, trẻ được chiều chuộng có thể trở nên ích kỷ và xa cách với những đứa trẻ khác trong gia đình.
Hãy cố gắng kỷ luật và khen thưởng công bằng với các con trong mọi tình huống. Và luôn cho con hiểu ba mẹ luôn dành tình yêu thương và những gì tốt đẹp nhất cho tất cả các con. Qua đó trẻ sẽ dần cảm nhận được ba mẹ luôn công bằng và trẻ sẽ tự nhiên dung hòa với các anh chị em khác trong gia đình.
Thất hứa
Nhiều người nghĩ trẻ con thì nhanh quên, không để bụng nên hay “hứa lèo” với con, chẳng hạn như hứa con hoàn thành tốt việc gì đó thì sẽ thưởng cho con đi chơi công viên, ngoan ngoãn ở nhà học bài ba sẽ mua đồ ăn cho con,.... rồi không thực hiện.
Bạn biết không, con trẻ nhớ rất lâu những gì ba mẹ hứa với mình. Khi bị thất hứa, trẻ sẽ rất buồn, thất vọng. Và nếu bạn thường xuyên không giữ lời, con có thể nghĩ ba mẹ là người không đáng tin, giảm sự tôn trọng dành cho ba mẹ, nghĩ mình không xứng đáng, và con có thể trở thành người thất hứa.
Hãy thận trọng trước khi hứa hẹn với con bất kỳ điều gì ba mẹ nhé. Nếu lỡ thất hứa, nên nói xin lỗi và đưa ra lời giải thích cũng như cách thức, thời gian thực hiện lời đã hứa một cách hợp lý để con cảm thấy ba mẹ thật sự coi trọng lời hứa với trẻ.
Áp đặt và kỳ vọng quá lớn
Với tâm lý của cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình sẽ trở thành một người tài giỏi, đó là niềm tin chính đáng mà bất kỳ cha mẹ nào cũng có. Tuy nhiên khi tình yêu và kỳ vọng của ba mẹ thái quá, nó sẽ biến thành áp lực tâm lý nặng nề đè lên vai trẻ. Lâu dần, con dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng và sợ hãi với tất cả mọi thứ con cần học hỏi. Hãy lắng nghe con, hiểu tố chất của con và tạo cho con một trạng thái học tập - phát triển cân bằng, khoa học, luôn giữ tinh thần thoải mái, tươi vui, hạnh phúc trong mỗi bài học mà con nhận được.
Ít khen ngợi, cổ vũ và thường xuyên so sánh con với những đứa trẻ khác
Nhiều ba mẹ cho rằng, khen ngợi sẽ khiến trẻ tự mãn, chê trách sẽ khiến trẻ biết phấn đấu nỗ lực hơn. Vì vậy, ba mẹ luôn chú ý vào các khuyết điểm của con và so sánh với người khác. Tuy nhiên, con rất sợ điều này. Bé có thể khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng, không có động lực để cố gắng.
Hãy nhớ mỗi đứa trẻ là 1 cá thể độc lập với những thiên hướng phát triển khác nhau. Do đó, ba mẹ nên nhìn nhận khách quan khi đánh giá trẻ, luôn cổ vũ, động viên, ghi nhận nỗ lực, khen ngợi con đúng, chỉ dẫn phù hợp để bé phát triển tốt nhất nhé.
Làm ba mẹ, bên cạnh bản năng cũng cần không ngừng học hỏi thêm nhiều tri thức tốt đẹp mỗi ngày để hoàn thiện mình cũng như nuôi dạy con đúng cách, bạn nhé! Trên đây là những điều mà con trẻ sợ từ ba mẹ của mình, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn trên hành trình học làm cha mẹ mỗi ngày.