Nhằm thống nhất công tác triển khai, với mục tiêu đảm bảo tiêm chủng, an toàn, chiều 29/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, TP hướng dẫn triển khai chiến dịch.
Theo Bộ Y tế, công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng. Hiện nay, một số vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi từ 12 - 17.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.
|
Tại Việt Nam, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao. Các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Song song với tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em 12 - 17 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1. Bao phủ vaccine cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên để bảo vệ họ trước nguy cơ mắc bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Ngày 28/10, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 103.683 người, tại các điểm tiêm đều an toàn, trật tự. Từ khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu tổ chức tiêm chủng đến hết 28/10 đã tiêm được 12.938.986 mũi tiêm, trong đó 5.689.910 người tiêm mũi 2. Người trên 18 tuổi đã tiêm 1 mũi là 99,48%; người tiêm đủ 2 mũi là 78,93%; người trên 65 tuổi được tiêm 2 mũi là: 90,15%; người trên 50 được tiêm 2 mũi là 84,16%. Vaccine Vero Cell đã tiêm 3.311.218 mũi tiêm. Trong 28/10/2021 có 77.730 trẻ 12-17 tuổi được tiêm. Cộng dồn đến hết ngày 28/10/2021 có 79.418 trẻ được tiêm. |
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.
Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh PTTH, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh THCS từ lớp 9, 8, 7. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Vaccine sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên. Với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.
Bộ Y tế yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tại buổi tập huấn, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cơ sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vaccine phòng Covid-19.
Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiệm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương làm rõ về các phản ứng sau tiêm chủng – nội dung được các cán bộ tiêm chủng và cộng đồng rất quan tâm, các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau, cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho trẻ sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Cũng tại buổi tập huấn, chuyên đề các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vaccine phòng Covid-19 được chuyên gia tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm. Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện trẻ em trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.
Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia kêu gọi và mong muốn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng và chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều. Mỗi trẻ em 12 -17 tuổi được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, đủ liều sẽ góp phần tạo miễn dịch cộng đồng vững mạnh, cùng với cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện bình thường mới.
Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ em
Sáng 29/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đã tiếp cận được 107 triệu liều vaccine Covid-19. Hiện đã tiêm hơn 78 triệu liều. Số vaccine về đến Việt Nam đã được phân bổ cho các địa phương. "Việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 tuy tích cực nhưng số lượng về chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt là vaccine cho trẻ em"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp quyết định tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao. Hiện mới có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ có một loại vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em là Pfizer.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước mắt đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm 16-17 tuổi. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và rà soát đối tượng tiêm. Bộ Y tế đã giao cho Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều nay tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em tại 63 tỉnh, thành. Việc tiêm cho trẻ chủ yếu thực hiện ở các trường học, tiếp theo là ở các trạm y tế, các trung tâm y tế và các bệnh viện (với trẻ có bệnh nền, béo phì)… làm sao để công tác tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời đảm bảo an toàn. Cùng đó, Việt Nam vẫn đang tích cực nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ. Vaccine Nanocovax là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, hiện tình hình chung về vaccine trên thế giới rất khó khăn, lãnh đạo Nhà nước đã tích cực đàm phán, ngoại giao vaccine để có thể sớm có được nguồn vaccine tiêm cho người dân.
|