Lý do vì sao con cái lại là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với trẻ con, nhiều người trong chúng ta, thậm chí là các bậc ông bà cha mẹ, vẫn nghĩ rằng: Ôi dào, nó bé tí đã biết cái gì đâu. Những bậc phụ huynh này cho rằng, đối với các bé nhỏ tuổi (từ 1 đến 5 tuổi) thì việc nhận thức một hành động đúng hay là sai của người lớn là chưa có.
Chính vì thế, nhiều người đã rất vô tư trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ. Họ không cho rằng những hành động, cử chỉ, lời nói hàng ngày của họ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về cả trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, lối tư duy của trẻ mà cho rằng việc dạy dỗ những điều như trí tuệ đạo đức là việc của nhà trường.
Đây là một nhận thức sai lầm bởi theo nghiên cứu khoa học, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
|
Ảnh minh họa |
Nhìn con biết bố mẹ
Chỉ những người hiểu được khó khăn gian nan vất vả, mới có thể biết làm thế nào giúp con thực sự hiểu và tôn trọng công sức lao động của người khác. Chỉ những người từng trải nghiệm nhiều cay đắng ngọt bùi, từng thất bại mới có thể dạy con khi gặp chuyện rắc rối không nên hấp tấp vội vàng hay lo sợ. Chỉ những người từng gặp phải sự thay đổi biến hóa khôn lường trong đường đời, mới có thể giúp con hiểu một cách rõ ràng đừng nên oán giận cuộc sống, mà nên tự mình cố gắng thay đổi nó.
Các nhà tâm lý học thường nói tới hiện tượng phản ứng giữa con người với con người. Nói một cách đơn giản đó chính là con người thường có xu hướng thông qua sự nhìn nhận đánh giá một sự việc đã xảy ra của người khác làm tấm gương phản chiếu nhận thức của chính mình. Thông qua những phản ứng đối với sự việc nào đó của người khác, chúng ta sẽ có thể đánh giá nhìn nhận sự việc đó là “đúng” hay “sai”. Sau đó qua sự đánh giá nhìn nhận này đúc kết ra hành động thích hợp cho bản thân.
Do vậy có thể nói cha mẹ chính là đôi mắt của con cái. Tầm nhìn nhận đánh giá sự việc của cha mẹ cũng là tầm cao trong nhìn nhận sự việc của con trẻ. Mặc dù có rất nhiều người sẽ nói, sau khi trưởng thành chúng ta đều dựa vào sự tự nỗ lực của bản thân để thay đổi cuộc sống. Trên thực tế chính những kiến thức những kinh nghiệm sống đó sẽ ảnh hưởng tới con cái và tự chúng có sự ứng phó thích hợp trong cuộc sống sau này.
|
Ảnh minh họa |
Cha mẹ cần làm gì để xây dựng tấm gương tốt cho con?
Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp thu và bắt chước thực hiện là điều vô cùng nhanh chóng. Về lâu về dài, sự tương tác đó lặp đi lặp lại, thì dữ liệu trong đầu trẻ nhỏ cũng sẽ tồn tại bền vững hơn, các bước xử lí đối với các tính huống thực tế cũng nhanh hơn, tạo nên tính cách của chúng sau này.
Nếu những tương tác đó là tương tác tốt, tích cực thì tính cách của trẻ nhỏ sẽ thiên về hướng tốt. Nhưng ngược lại, nếu những hành động, lời nói, cách nhìn nhận của trẻ là chưa đúng đắn hay thậm chí là tiêu cực, thì tính cách của trẻ sẽ có nhiều điểm không tốt hơn.
Câu nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thật ra đã phản ánh rất chính xác quan điểm này. Dù sau này khi trưởng thành, mỗi cá thể đều phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân mình để thay đổi tư duy nhận thức, hòa nhập với cuộc sống. Thế nhưng những nhận thức có được ngay từ thuở nhỏ, chính là nền tảng vững vàng nhất cho sự phát triển sau này.
Vậy, khi chúng ta đã biết, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, chúng ta cần làm gì để trẻ nhỏ có được sự phát triển tốt nhất? Điều trước tiên cần làm chính là tự ý thức bản thân về những hành vi dù chỉ là nhỏ nhặt trước mặt con trẻ. Tiếp đến là chú ý trước khi xử lí một tình huống nào đó, cần suy nghĩ thật kĩ về những ảnh hưởng của cách giải quyết đó đến cách nhìn nhận của trẻ trong tương lai.
Con cái là tâm gương phản chiếu của cha mẹ, dó đó, các bậc phụ huynh nên vì lối sống, cách cư xử của con cái trong tương lại, hãy tự xem xét và ý thức lại chính bản thân mình. Hãy sửa đổi những hành vi, lời nói chưa phù hợp, hay kiểm soát bản thân theo những định hướng tốt đẹp để làm tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo.