Thường xuyên la mắng, dọa dẫm, so sánh với trẻ khác hay kỳ vọng quá cao là những điều cha mẹ làm có thể khiến con tự ti, ngày càng nhút nhát và yếu đuối.
Hay so sánh con với trẻ khác: So sánh con với những trẻ khác là điều nhiều cha mẹ mắc phải. Các nhà tâm lý học cho rằng cha mẹ không nên lặp lại sai lầm này bởi việc so sánh như vậy sẽ hạ thấp lòng tự trọng và giá trị của trẻ. Điều đó cũng tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái bởi chúng cảm thấy bị mất niềm tin, ngại giao tiếp hơn.
Kiểm soát mọi hành vi của trẻ: Phụ huynh kiểm soát con quá mức sẽ khiến trẻ không biết cách tự quản lý cảm xúc của bản thân. Khi được cha mẹ bao bọc, trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về khả năng thích nghi xã hội, kết bạn hay phân tích hành vi. Vì vậy, khi nhận thấy trẻ có thể xử lý các tình huống mà không cần hỗ trợ, cha mẹ hãy để con tự làm điều đó.
Trừng phạt bằng đòn roi: Nhiều cha mẹ tin rằng đòn roi là cách kỷ luật tốt nhất cho con trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc lạm dụng thể chất dẫn đến rất nhiều hậu quả, trong đó có hành vi chống đối xã hội, rối loạn tâm lý, nghiện rượu bia và chất kích thích.
La hét với con: Nhiều cha mẹ tin rằng la hét là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề và tạm dừng hành vi sai của trẻ. Tuy nhiên, điều này có thể khiến hành vi của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Trẻ thường xuyên bị mắng mỏ, la hét dễ thu mình, nhạy cảm và nhút nhát khi đối mặt với người ngoài.
Hay dọa dẫm: Cách dọa dẫm con để trẻ sợ và điều chỉnh hành vi có thể khá hiệu quả, nhưng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh không nên dùng. Thông thường, trẻ không thể suy nghĩ và nhận thức đúng về hành vi của mình khi bị sợ hãi. Về lâu dài, chúng sẽ càng dễ bị sợ, lo lắng, tâm lý bất ổn khi thường xuyên bị dọa dẫm.
Kỳ vọng quá cao: Không có cha mẹ nào muốn con mình trở thành kẻ thất bại. Kỳ vọng có thể thúc đẩy trẻ thể hiện tốt hơn, nhưng nếu quá mức, trẻ sẽ bị áp lực, mệt mỏi, lo lắng khi không thể đáp ứng.