Phương pháp giáo dục kỹ năng sống phù hợp
Kỹ năng sống được ví như “nhịp cầu” để con người có thể biến những kiến thức, kinh nghiệm mà mình học được thành thái độ, giá trị và thói quen hành vi lành mạnh. Vì thế, trẻ nhỏ được 3 tuổi hay ngay từ khi chập chững biết đi đã được giáo dục kỹ năng sống để biết tự bảo vệ và chăm sóc bản thân cách tốt nhất.
Kỹ năng sống giúp trẻ có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống xung quanh, đồng thời biết lựa chọn cách thức phát triển các mối quan hệ xã hội. Trẻ được giáo dục kỹ năng sống cũng có tình cảm đặc biệt với thiên nhiên, cảm nhận được sự quý giá của công sức lao động, biết trân trọng sự sống.
Khi trẻ nhỏ thiếu đi các kỹ năng sống cơ bản, bé sẽ lúng túng hơn trước các tình huống, sai phạm nhiều hơn và đưa ra phương pháp giải quyết chứa đầy nguy hiểm, bồng bột. Vì thế, việc trang bị cho các bé lứa tuổi mầm non những kỹ năng sống giúp bé có thể phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách và kinh nghiệm sống.
Đối với con người, khi muốn thiết lập bất cứ kỹ năng nào thì cũng cần đến thời gian và sự rèn luyện. Ở trẻ em cũng thế, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em không thể nóng vội, đòi hỏi sự kiên nhẫn với 3 bước cơ bản như sau:
- Tạo dựng cho trẻ nhỏ những kiến thức về hành động: Trẻ nhỏ cần hiểu được mục đích, đối tượng, cách thức và điều kiện hoạt động.
- Phụ huynh, những người có kiến thức cao hơn cần hướng dẫn thông qua việc gợi ý, làm mẫu và thúc đẩy trẻ tìm tòi, khám phá, quan sát và đừng ngại để bé làm thử.
- Luôn tạo điều kiện để các bé có thể vận dụng kiến thức, kinh nghiệm mà mình học được vào tình huống thực tế. Đồng thời, người hướng dẫn cần giúp các bé vận dụng linh hoạt kỹ năng, kỹ xảo trong nhiều điều kiện và tình huống khác nhau.
Như vậy, chúng ta có thể nhận định rằng từ những hành động trở thành kỹ năng là cả một quá trình dài, bài bản. Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần phải song song giữa lý thuyết và thực hành trên những tình huống cụ thể. Trẻ cần được quan sát người khác làm và trẻ cần tự thực hiện để trải nghiệm.
Chính sự trải nghiệm thực tế nhiều lần sẽ giúp bé hình thành thói quen, rút ra kinh nghiệm và nhận thấy ý nghĩa thiết thực của việc làm đó. Từ những hành động đó giúp trẻ mầm non chủ động hơn trong việc vận dụng các kỹ năng cần thiết trong những tình huống cụ thể.
Phương pháp dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non
-
Thông qua các hoạt động vui chơi
Chắc chắn, các bé ở lứa tuổi này đều rất hoạt bát, hiếu động, thích khám phá những điều mới mẻ. Vui chơi là một trong các nhóm kỹ năng sống cho trẻ mầm non được lựa chọn hàng đầu và cũng là môi trường có nhiều cơ hội để trẻ vận dụng các kiến thức, kỹ năng khác nhau trong việc giải quyết tình huống.
Thông qua các trò chơi, trẻ được tham gia vào nhiều vị trí nhân vật khác nhau để trải nghiệm. Từ đó, bé thoải mái sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng của mình, hợp tác và giao tiếp tốt hơn với các bạn cùng lớp và cô giáo.
Trong mỗi trò chơi, bé đều nỗ lực hoàn thành tốt vai trò của mình, từ đó tạo cho bé phong thái tự tin, có trách nhiệm với bản thân…
-
Thông qua các sinh hoạt hàng ngày
Thông thường, sinh hoạt hàng ngày của bé là những hoạt động lặp đi lặp lại. Vì thế, đây là môi trường để bé rèn luyện thói quen và kỹ năng sống tốt nhất, giúp bé tiến bộ hơn từng ngày. Các bậc phụ huynh đừng ngại lồng ghép thêm các công việc, nhiệm vụ của bé theo đúng lịch trình để bé tạo dần cho mình thói quen đúng giờ, sinh hoạt khoa học, nghiêm khắc hơn với bản thân.
Trong sinh hoạt hàng ngày, bé cũng sẽ gặp phải những tính huống phát sinh mới. đây là cơ hội để bé mở mang thêm kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của bản thân.
-
Thông qua xem phim, kể truyện
Trong nội dung của những bộ phim hoạt hình, câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của bé sẽ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bé có thể thông qua những hình ảnh ngộ nghĩnh mà mình nhìn thấy để học theo cách ứng xử đúng đắn, cách giải quyết vấn đề khôn khéo mà các nhân vật trong phim, truyện đã làm.
-
Thông qua các hoạt động sáng tạo
Những trò chơi đóng vai, bé sẽ cố gắng “nhập vai” để hoàn thành tốt tình huống giả định. Đây là cơ hội tốt để các bé hình thành thói quen và kỹ năng sống một cách nhẹ nhàng với sự thích thú.
Ví dự như tình huống: gặp phải kẻ xấu, khi đi chợ thì bị lạc, khi đi học về nhưng bố mẹ chưa đón, khi đi qua đường….
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định lại một lần nữa: Việc dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất cần thiết. Ở mỗi trẻ sẽ có những yếu tố cá nhân khác nhau. Các mối quan hệ xã hội, hoàn cảnh sống của các bé cũng không giống nhau.
Vì thế, việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ mầm non cần có phương pháp nhất định với sự linh hoạt về hình thức, tận dụng các điều kiện cơ hội để trẻ có nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Chính vốn kỹ năng sống phong phú sẽ là tài nguyên để bé khai thác thêm nhiều kiến thức xung quanh, tạo lập nhiều mối quan hệ xã hội và phát triển cách toàn diện nhất.