1. “Bố đi lấy vợ khác rồi”
Câu nói quen thuộc mà nhiều người thường hay trêu ghẹo trẻ, tưởng chừng không gây hại gì nhưng thật ra đã làm tổn thương đến trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy lo lắng và sợ hãi vì nghĩ bố sẽ bỏ rơi mình, không thương và quan tâm đến mình nữa, trẻ sẽ hằn sâu ký ức không tốt trong suy nghĩ.
2. “Mẹ sinh em bé, cháu bị ra rìa rồi”
Nhiều người lớn đã gây ra hậu quả khôn lường từ câu nói này. Câu nói khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, khơi dậy lòng ghen tị đối với đứa em bé nhỏ, khiến trẻ ghét em, đánh em. Người lớn suy nghĩ đơn giản chỉ là câu nói vui để chọc trẻ mà không hề biết nó gây hậu quả như thế nào
3. “Cháu là con ông bị, bà ăn xin”
Nhiều người lớn có thú vui trêu chọc trẻ mà không hề biết rằng, trong suy nghĩ trẻ nhỏ thì đây là câu nói khiến trẻ cảm thấy tủi thân, xấu hổ về thân phận thấp hèn của mình. Chưa kể, câu nói sẽ khiến trẻ sẽ nghĩ mình không phải con đẻ của bố mẹ nên bị tổn thương. Điều này có thể ám ảnh trẻ khi lớn lên.
4. “Không ăn mẹ gọi chú công an đến bắt”
Đe dọa trẻ bằng hình ảnh của một ai đó khiến trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi ác cảm với người đó. Đây chính là câu nói cửa miệng của người lớn khi trẻ không chịu ăn hay không chịu làm gì đó theo ý họ.
Tại sao phải lấy ai đó làm bình phong để đe dọa trẻ, trong khi lẽ ra, chính bố mẹ mới là người trẻ cần phải coi trọng và nghe lời nhất.
5. “Cháu là con nuôi thôi”
Lời nói vui này sẽ khiến trẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ và mặc cảm. Đặc biệt khi trẻ bị bố mẹ đánh hay có vẻ thương em hơn trẻ lại càng nghĩ rằng mình là con nuôi.
Bất kỳ lời nói nào với trẻ con, người lớn nên suy nghĩ thấu đáo để nói. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, chúng ta vẽ gì vào đó thì nó sẽ như vậy. Thay vì nói những lời trêu chọc không hay, chúng ta có thể dành những lời nói ý nghĩa, giàu yêu thương để dạy trẻ.