Theo TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội: Lý do trẻ lười biếng thường xuất phát từ chính cách dạy con chưa đúng của các cha mẹ ngay từ khi con còn rất nhỏ. Đến khi con vào tuổi teen, mọi thứ dường như đã muộn để sửa sai. Vì thế, điều quan trọng là cha mẹ cần thay đổi cách dạy con sớm nhất trước khi con xuất hiện các biểu hiện lười biếng và ỷ lại. TS. Vũ Thu Hương chỉ ra và phân tích 6 nguyên nhân chính khiến con bạn lười biếng và ỷ lại:
Luôn làm hộ và tìm cách giúp đỡ con: Trẻ mới làm thì đương nhiên là vụng, là dễ đổ vỡ. Trẻ làm cũng lâu la, mất thời gian hơn người lớn rất nhiều. Tuy nhiên, suy nghĩ "làm luôn cho nhanh" là hết sức nguy hiểm. Điều này ngăn cản con khám phá thế giới xung quanh, hạn chế phát triển kĩ năng sống và tạo thói quen lười biếng, ỷ lại. Việc này càng kéo dài, các tổn hại càng lớn.
Cho con đi học thêm, cho con học trước, tạo các lợi thế học tập cho con chính là cách khiến các con lười nhanh nhất. Đặc biệt, việc học thêm triền miên sẽ khiến các con càng thiếu thời gian hơn, cũng càng ngại suy nghĩ hơn vì lớp học thêm luôn có thầy cô giải đáp cho con trước khi con phải suy nghĩ.
Luôn quyết định hộ con: Chọn trường, chọn lớp có thể là việc bố mẹ cân nhắc và cùng con quyết định. Nhưng ăn gì, mặc gì,... cũng quyết hộ thì con sẽ hình thành tâm thế luôn chờ đợi bố mẹ giúp. Càng quyết hộ con nhiều, con càng lười suy nghĩ, lười lựa chọn và chờ đợi bố mẹ nhiều hơn.
Luôn thoả thuận với con: Những thoả thuận mang tính đổi chác, kiểu "con như thế naỳ sẽ được thế kia" sẽ khiến con thấy trì hoãn được và quen dần với việc trì hoãn. Khi đó con sẽ quen với việc bỏ lửng việc cần làm. Các công việc cứ thế chồng lên nhau. Đáng ra làm toán ngay hôm trước thì con lại không làm và hôm sau, con bận làm toán, không có thời gian làm văn, làm vật lý. "Việc hôm nay chớ để ngày mai" là phương châm cha mẹ nên yêu cầu cả nhà thực hiện để tránh lười biếng.
Chấp nhận con dễ dàng bỏ cuộc: Cả thèm chóng chán là bản tính của tuổi trẻ. Cha mẹ cần luôn biết để không cho phép con bỏ cuộc ngay khi mới bắt đầu thực hiện một việc gì đó. Làm đến cùng cho dù kết quả ra sao sẽ giúp trẻ nghiêm khắc hơn với chính bản thân và có thói quen cân nhắc cẩn trọng trước khi đòi tham gia một việc gì.
Để con làm quá nhiều việc một lúc: Vì chiều con, nhiều nhà cho con vừa ăn vừa học, nằm dài trên giường học bài, vừa học vừa nghe bố mẹ nói chuyện hoặc bật nhạc, tivi oang oang. Sức tập trung giảm, sự hào hứng với công việc cũng kém hẳn đi khi có quá nhiều thứ khiến con phân tâm.
Không hướng dẫn con xây dựng kế hoạch làm việc: Làm gì trước, làm gì sau, các con đôi khi không biết nên phải bắt tay vào làm, con sẽ thấy ngại.
Nhiều bố mẹ khi yêu cầu con làm gì đó, chỉ nói đơn giản: Làm đi, làm đi, sao con không làm... mà không hướng dẫn con sắp xếp các bước thực hiện. Khi đó con ngại làm và tìm cách trì hoãn là đương nhiên.