Sự tôn trọng là điều cần thiết để hình thành và phát triển mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Để trẻ có học hỏi được phẩm chất này thì trong quá trình phát triển tư duy của trẻ, giữa những người lớn và trẻ em trong gia đình đã phải phải có sự tôn trọng lẫn nhau.
1. Tôn trọng và những biểu hiện của sự tôn trọng
Tôn trọng là khái niệm để chỉ sự đánh giá đúng mực, sự coi trọng danh dự, phẩm chất của người khác. Sự tôn trọng là nhu cầu thiết yếu của con người, nó thể hiện cho lối sống văn hóa của mỗi người. Tôn trọng được biểu hiện qua một số nội dung sau:
Tôn trọng chính là việc phải chú ý tới cảm nhận và suy nghĩ của người khác trong mọi thời điểm. Dù làm việc gì thì cũng nên quan tâm và suy nghĩ cho người khác. Không được áp đặt hay khống chế hành động và suy nghĩ của người khác. Bởi hạnh phúc của mỗi người là do họ tự quyết định và cảm nhận.
Tôn trọng là khi đứng trước vấn đề chỉ nên bày tỏ quan điểm của bản thân mà không nên võ đoán hay phán xét hành vi và lời nói của người khác. Bởi mỗi người có những quan niệm, cách nhận thức, và suy nghĩ khác nhau. Và mỗi người đều bình đẳng. Vì vậy, không thể vì cảm xúc của bản thân mà xúc phạm hay làm tổn thương người khác.
Ngoài ra một trong những biểu hiện của sự tôn trọng còn là việc không được nghi ngờ đạo đức của người khác.
2. Sự tôn trọng giữa người lớn và trẻ em trong gia đình là góp phần rất lớn trong quá trình phát triển tư duy của trẻ.
Tư duy của trẻ sẽ được hình thành và phát triển thông qua chính cách mà người lớn đối xử với chúng như thế nào. Muốn trẻ có thể tôn trọng người lớn trong nhà và những người khác thì bản thân người lớn cũng phải tôn trọng trẻ.
Sự tôn trọng của người lớn sẽ tạo cho trẻ có điều kiện để sống hạnh phúc và lạc quan. Khi được người tôn trọng trẻ cũng sẽ có sự tự tin vào bản thân, đồng thời trong tư duy của trẻ sẽ dần hình thành ý thức trách nhiệm đối với chính mình và xã hội.
Để thể hiện sự tôn trọng trẻ thì trước tiên người lớn cần hiểu trẻ và có thái độ tin tưởng ở trẻ. Hãy đóng vai trò là người tư vấn trong các quyết định của con. Chứ không thể quyết định thay trẻ. Không nên có lời nói hay hành động xúc phạm trẻ. Cũng đừng đem so sánh trẻ với những đứa trẻ khác.
Mỗi đứa trẻ đều có những ước mơ hay sở thích riêng của mình, người lớn cũng không nên áp đặt hay vùi dập hay bắt ép trẻ làm theo ý muốn của mình.
Để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng của người lớn dành cho mình thì người lớn phải lắng nghe trẻ, phải chia sẻ với trẻ một cách thẳng thắn để có thể rút ngắn khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình.
Có thể nói, trong gia đình sự tôn trọng của người lớn dành cho trẻ là điều rất quan trọng, sẽ góp phần giúp tư duy của trẻ có điều kiện phát triển và hoàn thiện để trở thành những người công dân có nhân cách tốt trong tương lai.