Trường hợp trẻ không nghe lời, bạn hãy để con tự quyết định, mắc sai lầm và học cách sửa đổi hoặc đặt câu hỏi định hướng.
Pamela Li, sống tại Mỹ, chia sẻ phương pháp dạy con nghe lời trên Parenting For Brain.
Vào một ngày hè nóng nực, con gái 5 tuổi của tôi đi bơi cùng hai bạn. Cả ba xin phép mẹ cho sang chơi bể người lớn nhưng chúng tôi không đồng ý. Bạn bè của con gái tôi liền chuyển hướng than vãn, năn nỉ phụ huynh nhưng con gái tôi nói: "Mẹ tớ cũng không cho nhưng tớ nghe lời mẹ".
Hai bà mẹ nhìn tôi chằm chằm. Họ muốn biết tại sao con gái tôi lại nghe lời đến vậy. Sự thật, khi ở nhà, con gái tôi cũng không thường xuyên nghe lời bởi tôi hiếm khi ra lệnh hay ép buộc con làm điều gì. Nếu tôi ra lệnh nhưng cháu không làm theo, tôi để con tự quyết định, trừ trường hợp bắt buộc.
Tôi nghĩ điều tiên quyết trong nuôi dạy những đứa trẻ nghe lời là tôn trọng chúng. Trẻ em cũng giống như người lớn, có ý kiến riêng, muốn được thể hiện quan điểm cá nhân và muốn được tôn trọng. Tôi ít khi ra lệnh mà thường hỏi con, hy vọng con sẽ bày tỏ suy nghĩ về một vấn đề và chúng tôi cùng thảo luận cách thực hiện. Ngoài việc tôn trọng, tôi đặt ra cho bản thân năm quy tắc nuôi dạy con nghe lời.
1. Không kiểm soát trẻ
Phụ huynh hãy hiểu rằng không thể và không nên kiểm soát trẻ thái quá. Điều duy nhất chúng ta có thể kiểm soát là bản thân. Trẻ em không phải robot, không phải thú cưng. Theo thời gian, các em sẽ trưởng thành, có chính kiến riêng và bố mẹ không thể ép buộc con làm việc theo ý mình.
2. Chỉ ra lệnh khi có lý do chính đáng
"Tại sao tôi không thể khiến các con nghe lời?". Khi đặt ra câu hỏi này, bạn nên đánh giá lại những yêu cầu đối với trẻ. Hãy tự hỏi bản thân những điều bạn ra lệnh cho trẻ có thực sự cần thiết, quan trọng.
Những lý do tốt thường hướng tới các khía cạnh sau. Thứ nhất, lý do về an toàn, chẳng hạn trẻ không thể chơi đồ vật sắc nhọn, không được nhảy lên bàn. Tiếp theo là lý do về sức khỏe như phải đánh răng để ngừa sâu răng, phải ăn rau để bổ sung chất xơ và vitamin. Lý do thứ ba là không gây hại đến mọi vật xung quanh, như không được đánh người hoặc động vật, không được vứt rác bừa bãi. Lý do cuối cùng là những tình huống bất khả kháng như phải rời nhà trước khi muộn học, không đủ tiền mua đồ chơi.
Nếu không nằm trong bốn trường hợp trên, hãy tự hỏi tại sao yêu cầu đó lại quan trọng và có thực sự cần thiết đối với sự phát triển, nuôi dạy trẻ. Nếu yêu cầu xuất phát từ điều bạn muốn, không phải điều trẻ cần, bạn có thể thay đổi cách ra lệnh.
Ví dụ, bạn muốn con mặc áo khoác vì bên ngoài trời lạnh nhưng con bảo không thấy lạnh. Hãy nhắc con mang theo một chiếc áo khoác để mặc khi cảm thấy lạnh. Nếu con bạn muốn ăn bằng tay, hãy yêu cầu con dùng thìa đũa khi có khách vì nó thể hiện sự tôn trọng, nhưng khi ăn cùng gia đình, hãy cho phép con làm điều chúng muốn.
Trẻ có thể chưa nhận thức đúng mọi vấn đề nhưng rất biết lắng nghe và tiếp thu. Hành động không nghe lời có thể là sự phản kháng ngầm khi bố mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con. Nếu phụ huynh cho phép trẻ quyết định một số vấn đề ít quan trọng, các em sẽ nghiêm túc lắng nghe những vấn đề quan trọng.
3. Cho phép trẻ mắc lỗi
Bố mẹ bắt con nghe lời vì không muốn phạm sai lầm. Nhưng việc đối mặt với thất bại khiến trẻ tự học được nhiều điều giá trị, giúp các em trở nên độc lập, tự tin, không ngại mạo hiểm.
Khi con mắc lỗi từ lựa chọn của mình, bạn không nên mắng, than vãn hay chì chiết. Điều này chỉ càng khiến trẻ nản chí, không chịu nhận lỗi về mình. Thay vào đó, trẻ sẽ chuyển sự tức giận với bản thân sang bố mẹ.
Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu trẻ tắt TV để học bài nhưng các bé không làm theo, hãy ngừng bận tâm. Trẻ có thể xem đến khi đi ngủ, quên làm bài tập và bị giáo viên phạt khi đến trường. Một lần bị phạt sẽ khiến các em rút ra bài học đừng nên lơ là học tập. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra yêu cầu của bố mẹ là muốn tốt cho mình và vâng lời.
4. Định hướng
Nếu bạn không thể phớt lờ hoàn toàn quyết định của con, hãy định hướng bằng việc gợi ý, đặt câu hỏi. Ví dụ, khi bạn ra lệnh con dọn đồ chơi nhưng chúng không làm theo, hãy hỏi rằng: "Tại sao con không muốn cất đồ chơi?", "Nếu con không thu dọn đồ sau khi chơi, bố mẹ đi qua, giẫm phải và bị đau chân thì sao?".
Hãy dự đoán những kết quả sẽ xảy ra với quyết định của trẻ nhưng đừng nên phóng đại làm trẻ sợ hãi. Việc định hướng sẽ giúp cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và con trở nên mềm mỏng, dễ chịu. Ngoài ra, bạn có thể dạy con tư duy phê phán, tư duy logic và khả năng phản biện. Theo thời gian, trẻ sẽ tin tưởng vào những phán đoán của bạn. Nhiều em sẽ có niềm tin, muốn chia sẻ khúc mắc với bố mẹ để cùng nhau tháo gỡ.
5. Giữ bình tĩnh
Khi trẻ không nghe lời, phụ huynh sẽ tức giận, từ đó chỉ dẫn đến tình huống tồi tệ, căng thẳng. Việc nuôi dạy trẻ không phải đường một chiều mà cần sự tương tác, chia sẻ từ hai phía, phụ huynh và con cái. Nếu bạn để sự tức giận chiếm lấn quá nhiều, bạn sẽ không thể hợp tác với trẻ.