Giáo dục giới tính cho trẻ là hành trình mà cha mẹ có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ có nhận thức về các bộ phận trên cơ thể. Hành trình này không phải lúc nào cũng dễ dàng, có rất nhiều điều mà cha mẹ khó nói và phải tìm hiểu qua nhiều nguồn để giáo dục con một cách đúng đắn nhất. Dưới đây là một số thông tin nhằm giúp các bậc phụ huynh có thể tham khảo thêm về các phương pháp giáo dục giới tính sớm hiệu quả từ đó có những cách thức phòng tránh xâm hại cho các con.
1. Một số “tips” để giáo dục giới tính hiệu quả cho trẻ Mầm non
- Khuyến khích trẻ chia sẻ về cảm xúc của mình từ sớm, khi ấy, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ với người lớn hơn khi con cảm thấy “an toàn” và “không an toàn”.
- Dạy trẻ biết rằng cơ thể con người rất thông minh và sẽ cho chúng ta biết khi nào có điều bất thường và “không an toàn” như cảm giác tim đập nhanh hoặc đau bụng…
- Giúp con lựa chọn và liệt kê 3-5 người lớn mà con tin tưởng nhất, là nơi con có thể chia sẻ bất kì điều gì con lo lắng.
- Thực hành nói “Không!” trong những tình huống không an toàn, như khi có ai đó nhìn/chạm/nói về cơ thể/vùng riêng tư khiến con không thoải mái.
- Dạy con tôn trọng ranh giới cơ thể của người khác: Nếu ai đó nói “Không!” thì con cũng cần tôn trọng và chấp nhận ranh giới của họ.
- Khuyến khích con biết lên tiếng và bảo vệ các bạn khác: Con cũng cần biết nói “Dừng lại!” nếu thấy bạn của mình gặp nguy hiểm với những cái “Chạm xấu” và chia sẻ lại câu chuyện với người lớn mà con tin tưởng.
2. Những phương pháp và công cụ giáo dục trẻ hiệu quả
Tại Trường Mầm non trẻ được giáo dục nhận thức và rèn luyện các kỹ năng bảo vệ bản thân thông qua rất nhiều hoạt động, đặc biệt là trong các giờ Cảm xúc – Xã hội (SEL) các con được học về:
- Nhận biết giới tính và các vùng riêng tư trên cơ thể
Các vùng riêng tư trên cơ thể (bao gồm miệng, ngực, vùng giữa hai đùi, mông) được dạy thông qua các hoạt động và video giáo dục giới tính cho trẻ Mầm non, trong đó con sẽ được dạy để tôn trọng ranh giới cơ thể của bản thân và người khác.
- Xác định được những hành động là “Chạm tốt” và “Chạm xấu”
Thông qua các câu chuyện như “It’s My Body – Cơ thể của tớ” – tác giả Lory Freeman, và ứng dụng hiệu quả những hiểu biết này vào cuộc sống hàng ngày của mình.
- Quy tắc 3 bước “Không-Chạy-Kể” (No-Go-Tell)
Quy tắc này dạy trẻ rằng, ở những tình huống khi con cảm thấy không thoải mái, hoặc thấy bạn đang ở tình huống không thoải mái, con hãy nói “Không” thật to, sau đó “Chạy” đến nơi an toàn và “Kể” lại sự việc cho cha mẹ, thầy cô, hoặc những người mà con tin tưởng.
Ngoài ra, cha mẹ có thể tham khảo thêm Quy tắc 5 ngón tay – bài hát “5 ngón tay xinh” (Kênh Truyền hình Giáo dục Quốc gia VTV7) và Quy tắc 6 cánh hoa để không bị xâm phạm nhằm giáo dục giới tính cho trẻ mầm non, giúp trẻ có thể tự bảo vệ bản thân và phòng tránh xâm hại. Đây chính là những bài học vô cùng thiết yếu và cần thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của trẻ.
Nguồn tham khảo: Motherly.