Nén ngạc nhiên chị Nga giả bộ lơ ngơ hỏi hàng độc là sao thì lập tức được "người sành điệu" giải thích nhiệt tình: "Là hàng xịn, hàng hiệu, hàng xách tay từ nước ngoài về ấy. Ở lớp con, bố mẹ các bạn toàn mua hàng kiểu này, cả nhà cứ lên mạng, chọn lựa theo ý thích rồi gọi điện order". Mặc dù thông tin nghe được không phải quá mới so với hiểu biết của bản thân, nhưng sự tò mò khiến chị Nga quyết chí tìm hiểu kỹ hơn về thế giới thẩm mỹ của con trẻ thời nay thông qua chính... đám bạn của "boy" nhà mình.
D&G từ đầu đến chân
Mới chỉ một năm trước đây thôi, chuyện mặc của con trai đều do một tay chị Nga chọn lựa, quyết định, miễn sao đáp ứng đủ các tiêu chí đã trở thành thói quen của cu cậu từ nhỏ: chất liệu mềm mại, hoạ tiết chỉ vẽ chứ không thêu (vì dễ gây ngứa) và nhất định là phải cắt bỏ mác trước khi sử dụng để tránh vướng víu khó chịu. Ấy vậy mà nay thì bỗng nhiên, sự hiện diện của chiếc mác gắn sau cổ áo lại trở nên thật quan trọng nếu trên đó xuất hiện 2 chữ cái D&G.
Cu cậu nhất định không chịu để mẹ "cắt đi cho đỡ vướng", ngược lại cứ mỗi lần mặc lại lộn trái áo ngắm nghía không chán cái mác nhỏ xíu ra chiều mãn nguyện lắm. Chuyện trò với con với tư cách một "người bạn", chị Nga dễ dàng tìm ra được nguyên nhân: Đám con trai trong lớp học của cậu chàng đang có "trào lưu D&G", tức là tất thảy từ quần áo, giày dép, mũ mão đến ba-lô đi học chính, túi chéo hông đi...học thêm đều phải "hiệu D&G".
Không cần biết xuất xứ thật, giả của món đồ, miễn sao trên đó phải có sự hiện diện của 2 chữ cái đại diện cho thương hiệu thời trang đang "hot" ấy (giải thích cho chuyện tại sao lại là D&G chú không phải là những thương hiệu nổi tiếng khác, người trong cuộc khẳng định một cách đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn: "Vì nó đang là mốt!").
Mà còn nữa, cái sự "sành" của các teen còn tinh tế đến nỗi "họ" còn truyền tai nhau một kinh nghiệm: Chữ chỉ cần nhỏ thôi, nhưng phải sắc nét, thêu thì không được lờm xờm chỉ, in thì không được nhoè nhoẹt hay chạy màu... thế mới xịn!!! "Cao kiến" hơn, các cậu chàng còn rỉ tai nhau một địa chỉ có biển hiệu là D&G luôn, nằm trên phố C.B với một niềm tin mãnh liệt về mức độ "xịn" của hàng hóa tại đó.
Báo hại chị Nga, sau chuyến khảo sát tìm hiểu thực tế đã mất cả buổi để chứng minh cho con rằng đó chỉ là biển hiệu, còn hàng hóa tại đó chỉ là hàng Trung Quốc đóng nhãn rởm mà thôi. Nhưng con trai chị vẫn cứ tặc lưỡi như không: "Gì cũng được, miễn là...có chữ D&G!". Khổ, biết là con trẻ mù quáng, nhưng để giải quyết được tình hình thì quả thực chị Nga chưa nghĩ ra cách nào hiệu quả...
Không là chuyện nhỏ
Mối quan tâm về hàng hiệu của con trẻ thời nay có thể nói đã ngày một trở nên sâu sắc. Bất cứ người lớn nào cũng không quá khó khăn để nghe được những thông tin kiểu: Bố bạn X., mẹ bạn Y.chở con đến trường bằng "con BMW, "Mẹc" (Mecedez-nv), hay Vol (Volkswagen-nv)... một cách đầy thán phục; thậm chí sự "hiểu biết" ấy còn đạt đến mức cao siêu hơn khi các cô cậu 12, 13 tuổi đã tỏ rõ sự hiểu biết của mình bằng các "bình luận" về xe đời nào, mấy chấm...
Vì sao các em lại "hiểu biết" đến thế về một thế giới quá xa lạ đối với đời sống đại chúng? Vì chúng quá hấp dẫn - đương nhiên, nhưng cụ thể hơn thì đó là vì công cụ tìm kiếm Goole, chẳng gì là không thể biết! Người này biết 1, người kia không thể không biết 2... và thế là một làn sóng update "kiến thức" để chứng tỏ sự hiểu biết và "sành điệu" đã cuốn không ít teen vào niềm đam mê mới.
Không hẳn là vô bổ, vì suy cho cùng kiến thức chẳng bao giờ là thừa, nhưng để nói rằng chúng cần thiết và phù hợp với lứa tuổi thì chắc chắn không ai có thể đồng tình.
Đáng nói hơn, từ chỗ quá quan tâm đến hiệu này, hiệu nọ, con trẻ thời nay đã trở nên phụ thuộc vào cái gọi là đẳng cấp xa xỉ. Quần áo không hiệu không mặc; điện thoại dưới 2.0 megapixels không dùng; đến đôi giày chuyên phục vụ cho giờ thể dục cũng nhất định không Nike, Adidas xịn thì cũng phải thuộc diện...hàng Việt Nam xuất khẩu.
Bạn tôi, nhân viên một công ty liên doanh đã từng phải ấm ức than thở về "màn" chọn quần áo mỗi sáng của cậu con trai lớp 8 và cô con gái lớp 5. Không có hiệu không mặc, bất chấp sự góp ý từ nhẹ nhàng đến "giông tố" của bố mẹ! Và cuối cùng, thường thì để kịp "tiến độ" đến trường, bố mẹ đành phải đầu hàng...
Phụ huynh không vô can
Công bằng mà nói thì không phải ngẫu nhiên trẻ con thời nay lại sớm quan tâm đến thế giới xa xỉ đến thế. Điều kiện kinh tế khấm khá hơn trước cùng cơ hội tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao đã khiến không ít bậc phụ huynh luôn có xu hướng tìm đến các sản phẩm đẹp mắt, độc đáo để mua sắm.
Nhiều khi, việc tìm mua những món hàng thuộc hiệu này, hiệu nọ đã như một thói quen của không ít người tiêu dùng. Và, con trẻ từ chỗ được thụ động hưởng thụ đã nhanh chóng "bắt kịp đà" và lập tức tạo lập cho mình một thói quen mới. Không thể cứng nhắc chỉ trích người lớn hay con trẻ, nhưng rõ ràng, cũng không thể khuyến khích tư duy tiêu dùng này.
Theo thoitrangtre