Chăm sóc trẻ bị tự kỷ khó hơn rất nhiều so với trẻ phát triển bình thường. Đặc điểm của trẻ tự kỷ là chỉ tập trung vào cái bé thích nên bé không bao giờ để ý đến những gì ba mẹ đang muốn nói với mình. Dưới đây mecuti.vn sẽ hướng dẫn chăm sóc trẻ tự kỷ đúng cách, các mẹ hãy tham khảo để có thêm kinh nghiệm chăm sóc tốt nhất cho bé nhé!
1. Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp
Trước tiên, tại sao lại là can thiệp mà không phải là chữa trị? Vì tự kỷ chưa được xác định nguyên nhân, do đó không có thuốc điều trị. Đây là tình trạng tồn tại suốt đời và chỉ có thể can thiệp hành vi để giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng, chứ không phải một chứng bệnh có thể chữa dứt điểm. Do đó, phụ huynh có con em mắc hội chứng này cần làm quen với việc “sống cùng tự kỷ”.
Dưới đây là 3 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả can thiệp:
- Tình trạng của trẻ tại thời điểm được phát hiện
- Thời điểm bắt đầu can thiệp
- Tính hợp tác của cha mẹ, người thân và những người ảnh hưởng tới cuộc sống của trẻ trong quá trình can thiệp của các chuyên gia
2. Có nên cho trẻ tự kỷ đi học?
Câu trả lời không phải là NÊN mà là CẦN. Trẻ tự kỷ cũng cần được đi học vì trẻ cũng có nhu cầu kết bạn cùng các nhu cầu xã hội khác mà cha mẹ và gia đình không thể thay thế được.
Đây hẳn là một vấn đề nan giải đối với phụ huynh bởi tại Việt Nam hệ thống trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ và số lượng trường nhận trẻ tự kỷ vào học còn khá hạn chế. Để trẻ tự kỷ có thể đi học như bao đứa trẻ khác, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với giáo viên để hướng dẫn trẻ theo cùng một phương pháp, bởi đặc tính của trẻ tự kỷ là các em chỉ hiểu và tiếp thu một cách thức giảng dạy nhất định, ví dụ khi muốn yêu cầu trẻ làm điều gì, chỉ dùng một câu lệnh duy nhất, hoặc với trẻ bị khiếm khuyết về mặt ngôn ngữ, có thể cần giao tiếp với trẻ bằng hình ảnh thay vì lời nói.
Một lưu ý với trẻ tự kỷ là trẻ thường bắt chước hành động của người khác một cách vô thức hoặc trẻ có thể bị bạn bè lợi dụng để sai khiến, dẫn đến vi phạm nội qui nhà trường. Do đó, khi trẻ được chẩn đoán tự kỷ, cha mẹ cần có giấy chứng nhận của bác sĩ về tình trạng của trẻ như một cách bảo vệ đứa trẻ, để trẻ tiếp tục được đi học.
3. Kinh nghiệm sống cùng trẻ tự kỷ
Tham gia buổi hội thảo, ngoài bác sĩ Quỳnh Trang còn có sự góp mặt của chị Cái Thị Ngọc Thủy. Chị hiện là điều phối viên nhóm Friendship, một tổ chức của các phụ huynh chăm sóc người khuyết tật và gia đình tại Úc. Trên hết, chị là một người mẹ đang nuôi nấng và dạy dỗ đứa con trai 13 tuổi mắc chứng rối loạn tự kỷ.
Phát hiện con mắc chứng tự kỷ khi con 2 tuổi, chị Thủy ngày đi làm, tối tham gia các lớp học chuyên đề, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ để có thể hiểu rõ hơn về tình trạng của con mình. Chị chia sẻ, nuôi dạy con đã khó, nuôi dạy trẻ tự kỷ còn khó hơn gấp nhiều lần. Điều cần nhất là cha mẹ phải kiên nhẫn dạy con đúng phương pháp vì chỉ cần bỏ lơ một giai đoạn, khi hành vi khác thưởng của trẻ đã trở thành thói quen, việc thay đổi sẽ vô cùng khó khăn.
Trẻ tự kỷ rất quan trọng phần thưởng cho những hành động của mình. Do đó, khi muốn trẻ làm hoặc không làm một việc nào đó, bạn cần cho trẻ biết trẻ sẽ được gì khi hoàn thành. Đây là cách hiệu quả để dạy dỗ trẻ. Việc giải thích dài dòng với trẻ tại sao vào lúc này hoàn toàn vô tác dụng vì trẻ chưa thể hiểu được. Phải tới một giai đoạn phát triển nhận thức nhất định, trẻ mới có thể hiểu được tại sao nên làm cái này hoặc không nên làm thế kia.
Một số trẻ tự kỷ có thể tiếp thu rất nhanh và bắt chước ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, do bản thân trẻ đang gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ nên cha mẹ chỉ dạy cho trẻ một ngôn ngữ nhất định tại một thời điểm.
Khi muốn yêu cầu trẻ thực hiện một chuỗi các hành động, ví dụ như: “Con ra cửa lấy đôi giày vào đây.”, phụ huynh cần chia nhỏ ra thành nhiều câu đơn lẻ vì trẻ sẽ không thể hiểu được câu nhiều vế.
Lưu ý các bậc cha mẹ cần dựa vào sở thích của từng trẻ để chăm sóc tiếp cận, giáo dục. Ban đầu, trẻ có thể không để ý, thậm chí chống đối, đẩy cha mẹ ra nên phụ huynh cần đặc biệt kiên nhẫn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho những cha mẹ không may có con mắc chứng bệnh này.