(Trẻ Mẫu Giáo Lớn)
(Ảnh minh họa: Internet)
Hãy chơi với các chữ cái, chữ và âm! Việc vui đùa và chơi cùng ngôn ngữ (từ vựng, chữ cái...) giúp cho trẻ học cách "giải mã" việc đọc và hình thành khái niệm về đọc - viết. Các phương pháp đơn giản dưới đây cung cấp cho bố mẹ có con đang ở độ tuổi Mẫu giáo một số phương pháp đầy sôi động, hứng thú; lôi cuốn con bạn ham thích đọc sách, đọc một cách tự tin, thoải mái, đọc trở thành một thú vui và niềm đam mê đặc biệt.
Tất nhiên, bạn cũng nên thử khám phá xem cách nào hiệu quả nhất với trẻ.
Nói chuyện với con:
Mỗi ngày, trước khi đưa con đi học hay đón con về nhà, hãy khuyến khích trẻ nói về một ngày sắp tới hay một ngày đã qua tại trường mầm non của mình. Đặt những câu hỏi tương tác để giúp bé sử dụng ngôn từ của mình, giải thích một việc bé đã làm, sẽ làm, hay một trò chơi mà trẻ thích chơi trong giờ hoạt động góc (hoạt động vui chơi tại trường mầm non).
Nói chuyện với con bằng sự quan tâm, cái nhìn chăm chú và thể hiện sự hiểu biết, hòa đồng với con mình. Hãy luôn cho trẻ thấy sự thích thú và vui vẻ, ngạc nhiên của bạn về những gì bé nói.
Nói với trẻ những câu phức tạp, khó phát âm bằng sự hóm hỉnh và vui vẻ:
Hãy hát các bài hát, đọc các quyển sách vần và nói những câu khó phát âm (dễ làm bé líu lưỡi, hoặc phân biệt l-n, tr-ch, s-x...). Việc này giúp trẻ em trở nên nhạy cảm hơn với các âm trong từ, hình thành thói quen đọc - nói đúng từ nhỏ, và tất nhiên bạn cũng sẽ điều chỉnh bé được một cách đúng đắn trong việc đọc - nói từ sớm.
Đọc và trải nghiệm:
Gắn kết những gì trẻ đọc với những gì xảy ra trong cuộc sống. Nếu đọc sách về động vật, hãy liên hệ trong thực tế bằng cách dẫn trẻ đi đến thăm vườn thú. Nếu đọc sách về các loài hoa hay cây cối, hãy cho trẻ đi thăm các công viên...
Gọi tên của con mình:
Chỉ ra mối liên kết giữa các chữ cái, nguyên âm, phụ âm trong tên trẻ. Ví dụ: Tên Minh - chữ cái bắt đầu là "M". Mạnh, Mưa, Muối, Mơ,... chúng đều được bắt đầu bằng chữ M.
Chơi với các con rối:
Chơi trò chơi với các con rối có thể khiến trẻ tăng khả năng đọc - nói. Cho con rối nói: "Tên tớ là Minh. Tớ thích những từ bắt đầu bằng chữ giống tên tớ. Mưa có cùng vần với Minh không? Nắng có cùng vần với Minh không? Mây có cùng vần với Minh không? Gió có cùng vần với Minh không...?"
Chỉ và đọc các chữ cái:
Cho trẻ dùng ngón tay trỏ chỉ vào mỗi chữ cái trong khi đọc chữ cái đó lên. Thực hiện hoạt động này trên giấy, bảng, sách...
Viết:
Chuẩn bị sẵn bút và bút chì cho trẻ dùng để viết. Hãy cùng viết với con khi con viết, hãy viết một hay hai câu về một điều gì đó khá đặc biệt (để trẻ dễ ghi nhớ, ấn tượng hơn). Khuyến khích trẻ dùng các chữ cái và âm trẻ đang học ở trường (Điều này sẽ yêu cầu bạn phải theo sát chương trình học ở trường của con. Việc này không khó, bạn hãy chú ý đọc bảng tin thông báo dán ngoài mỗi lớp, trên đó có ghi đầy đủ thông tin về các hoạt động, các kiến thức trẻ học từng ngày trong mỗi tuần).
Chơi các trò chơi về chữ cái:
Hãy tập ghép các chữ cái lại thành từ. Hỏi: "Con có đoán được chữ cái này là gì không: t - ô - i". Hãy kéo dài từng chữ cái hơn bình thường.
Đọc đi đọc lại:
Tiếp tục đọc cuốn sách mà bé thích thú trong nhiều tuần, nhiều ngày. Đọc đi đọc lại, trong khi đọc hãy tạm ngưng và hỏi trẻ về những gì đang diễn ra trong cuốn sách. Dần dần, bé sẽ nhớ được nội dung, có thể kể lại, hoặc hành động bắt chước bạn: Cầm sách đọc. Lúc này hãy hướng dẫn trẻ cách đọc từ trái sang phải, đọc từng từ tương ứng từng tiếng, cách cầm sách, cách chỉ tay mỗi từ đọc...
Nói về các chữ cái và từ:
Hãy giúp trẻ tìm hiểu về tên của các chữ cái và từ mà các chữ cái ghép lại tạo thành. Hãy biến hoạt động này thành một trò chơi. Vd: Mẹ đang nghĩ đến chữ M, và 1 chữ cái tạo thành Mẹ.