1. Bắt đầu bằng bản thân mình: Nếu bạn tự tin, mọi người xung quanh tôn trọng và tin tưởng bạn, bé của bạn sẽ có một hình mẫu lý tưởng để xây dựng nhân cách của mình.
2. Cho bé thấy bạn hạnh phúc có một em bé như bé: Bạn thấy bé đầy phẩm chất tốt và rất giỏi giang. Bé sẽ làm mọi cách để giống với hình ảnh đó.
3. Luôn tìm ra mặt tích cực trong những cố gắng của bé: Dù bé xây một ngôi nhà không có cửa sổ hay thêm rất nhiều chân vào bức tranh con rắn bé tô màu, hãy bắt đầu bằng những lời khen– sự độc đáo cũng đáng khen lắm chứ?
Sau đó bạn vẫn có thể góp ý để bé cải thiện công trình của mình.
4. Đừng tiết kiệm những lời khích lệ: Mẹ biết rằng con làm được mà, hãy thử lại xem nào”, “Chắc chắn là con làm được một mình, mẹ tin tưởng con”. Nhiều lần như vậy những lời này sẽ in đậm trong đầu bé và trở thành hữu ích khi bé gặp khó khăn: “Mẹ nói là mình làm được, chắc chắn là mình sẽ làm được”.
5. Tôn trọng bé nếu bé nói “không”: 4 tuổi rồi mà bé vẫn không dám đứng lên hát trong buổi tiệc Trung Thu ? 6 tuổi rồi mà bé vẫn không chịu đi chơi cuối tuần với bạn bè mà không có bố mẹ? Đừng ép buộc bé, hẳn là bé chưa sẵn sàng. Hãy kiên trì và cho bé được quyền lựa chọn
6. Giảm thiểu các hạn chế đối với bé: Đừng liên tục can ngăn bé với những “nguy hiểm đấy, con sẽ ngã” hay “con chưa làm được đâu”. Hãy để cho bé thử những thứ có thể thử được. Nếu bạn ngăn trở bé nhiều quá trong các “cuộc phiêu lưu” đó bé sẽ nghĩ rằng thế giới xung quanh mình có quá nhiều nguy hiểm tiềm tàng chẳng nên mạo hiểm những điều mới làm gì.
7. Đừng chê cười bé: Chê cười, châm chọc hay tố cáo các sai lầm của bé trước nhiều người sẽ làm bé tự ái và trở thành tự ti. Bé sẽ không dám thử các điều mới nữa vì sợ sẽ trở thành trò cười cho mọi người.
8. Giúp bé biết chấp nhận thất bại: Không ai có thể luôn luôn thành công trong mọi việc! Đối với bé thì không phải là bé đã thất bại mà là đã nhầm lẫn ở đâu đó, hãy giúp bé tìm ra nguyên nhân để lần sau thành công hơn và như vậy bé sẽ rất vui thích vì sự cố gắng của mình đã mang lại tiến bộ.
9. Giúp bé tự lập và biết cách tổ chức: Khoảng 4 tuổi ba mẹ hãy để bé có thể tự chọn quần áo cho ngày hôm sau tới trường hay dọn dẹp phòng theo cách của mình… Một đứa trẻ học cách tự suy nghĩ, tự hành động sẽ phát triển tính tự tin vào khả năng của bản thân mình. Trẻ sẽ mạnh mẽ hơn khi cha mẹ tin trẻ có khả năng giải quyết công việc. Bạn có thể khuyến khích trẻ bằng những câu như “Con có thể làm được” hoặc “Bố (mẹ) đã thấy trước đó con làm việc này thật khó khăn”. Bạn nên tạo các câu hỏi mở như “Con sẽ giải quyết vấn đề đo snhư thế nào?” hoặc “Con sẽ làm gì để giải quyết vấn đề đó tốt hơn?”
10. Để bé đảm nhận các hậu quả: Bé đã quên cặp sách ở nhà bạn ? Bé làm rách bức tranh của anh? Quả bóng của bé bị lăn sâu vào gầm giường? ba mẹ hãy kiềm chế mong muốn chạy lại giúp đỡ mà để cho bé tự nghĩ cách tháo gỡ vấn đề. Như vậy là bạn đã giúp bé học cách khai thác các khả năng tiềm ẩn của bé.
11. Tạo môi trường cho bé: Hãy thường xuyên cho trẻ đến chơi ở công viên, nhà người thân… để trẻ tự do vui đùa và giao tiếp với các trẻ cùng trang lứa. Vui chơi và quan sát nhiều sẽ giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.
12. Tạo cảm giác an toàn: Nếu con bạn sợ bóng tối, hãy chơi bịt mắt trốn tìm, tắt đèn vui đùa cùng bố mẹ. Nếu con bạn sợ bác sĩ, bạn hãy để bé đóng vai bác sĩ (cung cấp cho bé một bộ đồ chơi bác sĩ với đầy đủ áo choàng trắng và ống nghe). Các bé từ 3 đến 4 tuổi còn học trấn an bằng cách chơi với bạn bè. Khi bé có một số bạn thân cùng chơi cải trang giống những con quái vật huyên náo hoặc làm một ngôi nhà ma, bé cảm thấy đó là những hoạt động vui vẻ chứ không phải đáng sợ. Nếu có thể, bạn hãy cùng bé tham gia vào trò chơi cho đến khi bé cảm thấy thoải mái hơn. Khi đó, bạn hãy thử lùi lại một vài bước để bé tự nhiên vui đùa với trò chơi của mình.
13. Để bé tham gia các công việc vặt trong nhà: bố mẹ nên mạnh dạn giao cho bé một số công việc vừa sức, phù hợp với độ tuổi của bé (gấp quần áo, phụ ba mẹ rửa chén, lau bàn ghế, tưới hoa,… qua đó, bé sẽ cảm thấy mình có giá trị hơn, biết cách làm nhiều việc và và tự tin hơn vào khả năng của bản thân. Qua quan sát cách con làm, bố mẹ cũng sẽ phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để có cách giáo dục phù hợp. Nếu ban đầu, bé vụng về, chậm chạp, thậm chí gây đổ vỡ, bố mẹ chớ mắng mỏ, cần giải thích tại sao và kiên trì làm lại. Sau này, khi bé thành thạo, bạn cứ nghỉ ngơi thoải mái và nhớ nói cho mọi người trong gia đình cùng biết để cùng động viên trẻ.
Chúc ba mẹ luôn thành công khi nuôi dạy bé.